Tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng

Thứ năm - 01/06/2017 14:49
Tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng

Giải pháp thiết kế tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng (Kỳ 1)

 

Trong những năm gần đây, thế giới đang lên "cơn sốt" về vấn đề năng lượng. Nguồn năng lượng hóa thạch dễ sử dụng nhất như: dầu mỏ, than đá, khí đốt… ngày càng cạn kiệt. Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, gió, nước… chưa được phát triển mạnh, nguyên nhân là do hiệu quả chưa cao, cách thức sử dụng còn khá phức tạp và chi phí đắt đỏ. Trong khi chờ đợi những giải pháp hiệu quả hơn cho việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, việc tiết kiệm năng lượng (TKNL) được xem như là biện pháp quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. 

 

 

Thống kê cho thấy, các công trình xây dựng tiêu thụ đến gần một nửa nguồn năng lượng toàn cầu. Vì vậy, TKNL trong các công trình xây dựng góp phần đáng kể vào việc hạn chế tiêu thụ năng lượng của cả trái đất. Việt Nam cũng đã bước đầu tham gia vào phong trào TKNL của thế giới. Các quy định của Chính phủ về TKNL gần đây cho các công trình xây dựng là một trong những bước đi đầu tiên cho quá trình này.

Trong công trình xây dựng tại Việt Nam, các giải pháp TKNL phổ biến hiện nay tập trung ở 3 hệ thống kỹ thuật: Hệ thống chiếu sáng nhân tạo, cấp thoát nước và điều hòa không khí.

Hệ thống chiếu sáng nhân tạo

Việc thay thế các thiết bị chiếu sáng thông thường bằng thiết bị TKNL hơn như; đèn LED, Compact, huỳnh quang hiệu suất cao (đèn T5 + chấn lưu điện tử)… là những giải pháp khá đơn giản, dễ thực hiện nhất và khả năng tiết kiệm được đến 40% tổng năng lượng chiếu sáng. Đây là giải pháp TKNL dễ thuyết phục chủ đầu tư thực hiện do thời gian thu hồi vốn nhanh (khoảng 1 - 2 năm).

Đi xa hơn vào kỹ thuật, có thể sử dụng hệ thống điều khiển thông minh giúp giảm hoặc cắt hẳn lượng chiếu sáng khi không cần thiết bằng các sensor, điều khiển tự động độ sáng của đèn theo ánh sáng ngoài trời hoặc tự tắt đèn khi không có người sử dụng.

Thông thường, các kiến trúc sư không tham gia trực tiếp vào việc quyết định chọn lựa thiết bị chiếu sáng. Tuy nhiên, giải pháp kiến trúc lại góp phần lớn vào việc giảm thiểu tổng công suất chiếu sáng toàn công trình.

Bổ sung ánh sáng tự nhiên qua các giải pháp bố trí hướng tòa nhà hợp lý, bố trí cửa sổ kết hợp lam chắn nắng hiệu quả, tận dụng các mặt phản xạ đưa ánh sáng ngoài trời vào sâu bên trong công trình cũng giúp giảm bớt lượng điện tiêu thụ cho chiếu sáng. Việc xác định yêu cầu độ sáng chính xác cho từng khu vực cũng góp phần giảm nhu cầu chiếu sáng, giúp giảm tổng công suất tiêu thụ.

Bên cạnh đó, kiến trúc sư cũng cần phải cân nhắc khi chọn lựa giải pháp chiếu sáng tiết kiệm sao cho mang lại hiệu quả cao nhất. Thí dụ, giải pháp sử dụng lam chắn nắng không hợp lý sẽ vừa tốn kém, lại vừa không mang lại hiệu quả TKNL chiếu sáng cho công trình; các giải pháp tiết kiệm điện cho hệ thống chiếu sáng nội thất không khéo có khi không đáp ứng được yêu cầu công năng.

Thí dụ: một trung tâm thương mại ở TP. HCM sử dụng toàn bộ đèn LED để chiếu sáng khu vực bán hàng, dù hiệu quả TKNL cao nhưng kết quả là các sản phẩm trưng bày không bắt mắt (do ánh sáng đèn LED không làm cho sản phẩm đẹp lên) khiến các mặt hàng bán không chạy. Sau đó, đã phải điều chỉnh bổ sung thêm một số đèn halogen tăng cường và hiệu quả TKNL không còn nữa.

Theo: Kientrucvietnam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Đối tác  
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây