Chuyên gia quốc tế phân tích về một nỗi buồn của Việt Nam đối với dòng vốn FDI
- Thứ ba - 02/10/2018 08:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhân công giá rẻ vẫn là một điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam.
Dòng vốn FDI được xem là một trong những nguồn lực phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Tính riêng 9 tháng của năm 2018, số liệu cập nhật đến ngày 25/9 cho thấy tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017.
"Việt Nam đã khá thành công trong việc thu hút FDI", ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank tóm tắt về 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ông nhận định nguồn vốn này giúp đất nước hình chữ S thay đổi đáng kể trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Quan điểm ghi nhận thành công của Việt Nam với dòng vốn FDI nhận được sự đồng tình của rất nhiều chuyên gia quốc tế khác. Hôm 26/9, nói tại cuộc họp báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ngân hàng này nhận định: "Việt Nam đã trở nên cạnh tranh hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu".
Các mặt hàng được ông Eric nhắc đến bao gồm điện tử, điện...Nhiều doanh nghiệp mà ông Eric có dịp trao đổi thừa nhận rằng chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư bên cạnh môi trường kinh doanh ổn định, điều kiện thương mại tốt thì còn bởi chi phí lao động thấp.
Nhân công giá rẻ, như vậy, tính đến nay vẫn là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.
Một trong những lưu ý quan trọng mà ông Sebastian Eckardt của World Bank từng đề cập là nguồn vốn FDI hiện vẫn đang phân bổ tới những ngành nghề sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp, thuộc khâu lắp ráp cuối cùng.
Như vậy, cộng dồn những yếu tố này lại, Việt Nam sau nhiều năm đón nhận dòng vốn ngoại, dù có nhiều điểm đáng tự hào, nhưng vẫn giữ vị thế gia công.
Điều này được chứng minh qua số liệu của Tổng cục Thống kê, công bố trong tháng 9/2018. Đơn cử như khối FDI chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hoá sau gia công. Bên cạnh đó, nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của khối này là 16,3 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu...
Phân tích thêm, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhấn mạnh nếu cứ "dựa dẫm", cạnh tranh bằng giá, Việt Nam sẽ hụt hơi trong cuộc đua thu hút vốn FDI. "Đúng là ban đầu nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi giá lao động", ông nói và cho biết đây là một trong những yếu tố cân nhắc nhưng, quan trọng hơn, doanh nghiệp về lâu dài sẽ nhìn vào vấn đề năng suất.
Thực tế, giá thành nhân công Việt Nam hiện đang ở mức rất cạnh tranh, nhưng năng suất lao động của Việt Nam là thấp. Báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết trong năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam gấp 2 lần năng suất lao động trung bình nhóm nước thu nhập thấp, bằng 50% nhóm nước có thu nhập trung bình và bằng 18,3% nhóm các nước trung bình cao.
Năng suất lao động thấp thậm chí đang được nhìn nhận như là một yếu tố kìm hãm tăng trưởng GDP.
Do vậy, một trong những lời khuyên mà phía World Bank hay ADB đưa ra cho Việt Nam trong bối cảnh hiện tại là phải đầu tư cho con người. Lợi thế của đất nước quy mô dân số hơn 90 triệu dân là lực lượng lao động trẻ, dồi dào. Điều này cần được tận dụng triệt để.
"Việt Nam muốn cạnh tranh ở cấp độ cao hơn điều quan trọng là phải xây dựng một hệ thống đào tạo nghề tốt, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện để lao động trong nước thực hiện những công việc mang lại giá trị cao hơn", ông Sebastian Eckardt cho biết.
Còn ông Eric Sidgwick đề cập rằng đã đến lúc phải nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng giải quyết vấn đề, nâng cao năng suất.