Có công ty vừa & nhỏ phải dùng 60% tín dụng đen để làm ăn
- Thứ ba - 21/08/2018 11:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khó tiếp cận vốn ngân hàng, trái phiếu..., nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải sống nhờ nguồn tín dụng không chính thức.
Những tính toán về cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ với phần nhiều phải trông chờ từ "tín dụng đen", thị trường vốn phi chính thức khiến không ít đại biểu tại tọa đàm chuyên đề Vốn – Tài chính Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra ngày 21/8 giật mình.
Ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Verco - đơn vị có thời gian làm việc với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận định, hiện với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức doanh thu dưới 500 tỷ đồng hầu hết chưa có cấu trúc vốn, đồng thời có sự lẫn lộn giữa vốn ngắn và vốn trung, dài hạn. Theo ông Hùng đánh giá, ở công ty do các thanh niên, kỹ sư khát khao với nghề khởi nghiệp, mức vốn trung bình chỉ khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Kim Hùng - Tổng giám đốc Công ty tái cấu trúc doanh nghiệp vừa và nhỏ VERCO. |
"Tuy nhiên, chủ những công ty này hầu hết không hiểu gì về vốn, tài chính nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận ngân hàng. Khi phát triển đến một quy mô nào đó, họ cần thêm vốn nhưng không thể tiệm cận được trái phiếu, ngân hàng... và dẫn đến việc sử dụng cả nguồn vốn phi chính thức hay còn gọi là tín dụng đen", ông Hùng nêu.
Theo tính toán của ông Hùng, tại một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là từ tín dụng đen...
“Chỉ cần vào trang tìm kiếm là cụm từ ‘cho vay vốn’ sẽ cho ra khoảng 20 triệu kết quả, điều này cho thấy việc cho vay rất công khai”, ông Hùng nói và cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm nhưng hiện diện rất rõ ràng với chi phí sử dụng cao nên giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo ông Hùng, Chính phủ nên tạo ra một khung pháp lý để nếu doanh nghiệp phải sử dụng nguồn vốn tín dụng đen mà vẫn có thể được hợp thức hóa.
“Đây là khoản chi phí rất lớn nhưng không được hạch toán vào chi phí hợp lệ nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải xử lý nó vào chi phí khác và lợi nhuận còn cuối cùng rất thấp”, ông Hùng nói.
Trước chia sẻ của ông Kim Hùng từ góc độ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Hà Huy Tuấn - Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia bổ sung số liệu từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, các doanh nghiệp phải dùng 30% chi phí không chính thức để sản xuất kinh doanh.
Ông cũng chỉ ra bốn nguyên nhân khiến tín dụng đen nở rộ. Thứ nhất, theo ông, quỹ tín dụng đen tồn tại theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và việc tiến hành nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng.
Thứ hai, có tình trạng dùng nguồn vay từ tín dụng đen trả nợ ngân hàng. Một nguyên nhân nữa là do gần đây, sự phát triển công nghệ thông tin khiến cho cách tiếp cận trực tiếp giữa bên có nhu cầu vay và cho vay càng trở nên thuận lợi hơn. Thứ tư là vấn đề khơi thông nguồn vốn, nhiều người có tâm lý không muốn gửi ngân hàng vì cho vay ngoài lãi suất cao hơn.
Ông Tuấn cho rằng quỹ tín dụng đen không phải xấu bởi kể cả trên thế giới, hình thức này đã tồn tại từ rất lâu dưới dạng như các ngân hàng và không được công nhận.
Ông Hà Huy Tuấn - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia. |
Về đề xuất hợp lý hóa chi phí không chính thức, ông Hà Huy Tuấn cho rằng khó khả thi bởi không phù hợp với yêu cầu của cơ quan thuế. "Ngành thuế không thể cứ doanh nghiệp khai như thế nào thì ghi nhận ngay nên phải có công thức ra sao để hợp thức. Thứ nữa là chúng ta phải sử dụng những dịch vụ về thuế, để mình tính làm sao giải trình được điều đó hợp lý và thuận lợi nhất", ông nói.
Ở góc độ cơ quan quản lý, theo ông Tuấn cũng cần phải giải đáp câu hỏi, với nhu cầu lớn của xã hội, làm thế nào để cung ứng vốn cho doanh nghiệp. Bởi theo ông, bản thân ngân hàng cũng muốn cho vay ra. Theo đó, hai bên phải có những ra soát lại để đơn giản hoá thủ tục cho vay, đơn giản hoá thủ tục thanh toán.
Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia cũng cho rằng tín dụng phi chính thức không xấu, bởi đó cũng chỉ là một cách để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay một cách gọn nhẹ, hiệu quả hơn. Ở một số quốc gia trên thế giới cũng đã chính thức hóa nguồn vốn này để kiểm soát, điều tiết, như tại Hà Lan.
"Ví dụ, một người nông dân muốn vay để mua một con bò cần tín chấp như thế nào, điều này cũng hoàn toàn khác với khoản vay của các doanh nghiệp. Do đó, chúng ra cần có cơ chế khác nhau, tùy thuộc vào khoản vay, quy mô và đối tượng", ông Warrick Cleine cho biết.
Trước ý kiến của doanh nghiệp, các chuyên gia, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm tới vấn đề này và muốn biết, các quốc gia trên thế giới xử lý các bài toán của vấn đề tín dụng đen như thế nào.
Trả lời Phó thủ tướng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của KPMG tại Việt Nam và Campuchia - ông Warrick Cleine cho rằng Chính phủ cần có hệ thống giám sát, kiểm soát bộ phận tín dụng này rõ ràng, cũng như có biện pháp để bảo hộ các hoạt động tín dụng chính thức.
Chuyên gia Ngân hàng Thế giới - ông A. Alatabani gợi mở giải pháp bằng các gói sản phẩm tín dụng khác nhau để cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được với ngân hàng có thể sử dụng, như công cụ Fintech.
Tiếp lời đại diện World Bank, từ kinh nghiệm làm việc với nhiều doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Verco cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cũng có thể góp phần hạn chế tín dụng tín dụng đen. "Là đơn vị chuyên tái cấu trúc doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng họ không ngần ngại đầu tư", ông Hùng nói.
Theo vị này, có những sàn của doanh nghiệp tư nhân có thể kết nối và thu hút 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng. Nếu có cơ chế, khung pháp lý, nền tảng cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ, các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia các giải pháp về vốn và có thể lượng tiền lớn, ngay cả các startup cũng có thể IPO trên nền tảng số.
"Tuy nhiên, tôi đề xuất Chính phủ trong nền tài chính thứ cấp,nếu cho chúng tôi thử nghiệm có chăng mà sai, không nên hình sự hóa để không làm mất niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp", ông Hùng bày tỏ.