Cuộc đi dạo của sếp Nike và câu chuyện mà những con số thống kê không bao giờ biết kể
- Thứ năm - 03/05/2018 08:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cuộc đi dạo của sếp Nike và câu chuyện mà những con số thống kê không bao giờ biết kể
02-05-2018 - 15:03 PM | Doanh nghiệp
Chia sẻ"John, cậu đi đâu vậy?" "New York". "Đi làm gì thế?" "Ồ, đi dạo thôi mà". John là trưởng bộ phận R&D của Nike, mỗi quý anh lại bay sang một thành phố lớn để đi dạo. Những chuyến đi dạo này quan trọng tới nỗi khi CEO của Nike triệu tập một cuộc họp đặc biệt dành cho các cấp quản lý, Mark Parker đã đồng ý để John vắng mặt vì ông "cần John đi dạo hơn".
Câu chuyện những con số thống kê không bao giờ biết kể
"Đôi khi chúng ta quá tập trung vào dữ liệu trên bảng Excel", GS. Dave Ulrich – cha đẻ của ngành nhân sự hiện đại, người được Business Week gọi là "bậc thầy số 1 thế giới về quản trị" chia sẻ.
"Thực tế cho thấy 20% dữ liệu nằm trên các bảng tính Excel và 80% dữ liệu nằm dưới dạng phi cấu trúc – những dữ liệu có được qua quan sát".
GS. Dave là một nhà nghiên cứu tại trường Ross of Business thuộc Đại học Michigan (Mỹ). Tên tuổi của ông gắn liền với những chuyển động quan trọng của nền quản trị doanh nghiệp vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Ulrich là người đi tiên phong trong việc sáng tạo và phát triển mô hình quản trị nhân lực hiện đại.
Mới đây, ông đã tới Việt Nam và diễn thuyết tại Hội thảo "8 đột phá nhân sự để kinh doanh thành công" do CTCP VHRS tổ chức. Ông cho rằng: Những điều cảm nhận bằng sự quan sát tinh tế không nhất thiết phải có những thống kê cụ thể mới có thể đưa ra nhận định.
Một trong những ví dụ ông đưa ra là về chuyến đi dạo của trưởng bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) của hãng Nike nổi tiếng về sản xuất giày và trang phục thể thao.
Theo lời GS. Dave, ông đã gặp John - trưởng bộ phận R&D của Nike cách đây 1 năm, và giữa họ có một cuộc hội thoại khá thú vị.
"John, cậu đi đâu vậy?"
"New York"
"Đi làm gì thế?"
"Ồ, đi dạo thôi mà…"
"Nhưng sao John lại bay sang tận New York đi dạo nhỉ?", vị giáo sư thắc mắc.
Có đủ 10.000 giờ kinh nghiệm thì hãy tin vào bản năng mách bảo, còn không thì hãy đi thu thập dữ liệu.
"Đi dạo" là việc John thường làm mỗi quý. Điểm đến thường là các thành phố lớn như London, New York…
"Tôi quan sát mọi người ở thành phố đó xem họ đi giày của tôi thì đi thế nào và không đi Nike thì đi thế nào. 5 giờ sáng hôm sau tôi sẽ đến công viên trung tâm quan sát họ làm gì khi họ tập thể dục (gắn sản phẩm và dịch vụ với các vận động viên và những người yêu thể thao là một trong những chiến lược phát triển của Nike – PV)".
"Sau đó, tôi sẽ quanh quẩn ở các cửa hàng xem những người đến mua đang tìm kiếm cái gì, tìm kiếm như thế nào", GS. Dave thuật lại lời kể của John.
Những thứ John thu thập từ chuyến đi dạo của mình là những thông tin không thể hiện được trên các bảng số liệu thống kê.
Cuộc đi dạo của John quan trọng như thế nào?
Sáng hôm GS. Dave gặp John, John nhận được thông tin CEO kiêm Chủ tịch HĐQT Nike Mark Parker triệu tập một cuộc họp đặc biệt dành cho các cấp quản lý. Nhận được tin nhắn, John nhắn lại rằng anh có lịch "đi dạo".
"Thế đừng đến họp, tôi cần anh đi dạo. Đi dạo mới nhìn thấy được những vấn đề mà bình thường không thấy, mới cảm nhận được tương lai của doanh nghiệp chúng ta như thế nào", John thuật lại lời của CEO Parker.
Có đủ 10.000 giờ kinh nghiệm thì hãy tin vào bản năng mách bảo, "còn non và xanh" thì cần cố gắng đi thu thập dữ liệu thật tốt
GS. Dave Ulrich.
Theo GS. Dave, quản trị nhân sự trong thời đại số hóa gồm 4 giai đoạn: Sử dụng nền tảng công nghệ nhằm quản trị nhân sự với hiệu suất cao (như Oracle hay Workday), Sử dụng công nghệ để nâng cấp các nghiệp vụ về con người, Tiếp cận thông tin từ các dữ liệu thống kê hoặc qua quan sát như trường hợp của sếp Nike nói trên, và cuối cùng là Dựa trên những dữ liệu trên để xây dựng kết nối về mặt cảm xúc.
Một điều khá thú vị là CV của người quản trị nhân sự cấp cao có rất nhiều điểm tương đồng với CV của các CEO.
Khi đã có đủ kinh nghiệm và trải nghiệm, họ có thể đưa ra những quyết định mà bản năng mách bảo.
GS. Dave cho biết ông đã coaching cho 2 người CEO. Một là một doanh nhân 55 tuổi, có 30 năm kinh nghiệm trong công việc, và nhiều năm làm quản lý cấp cao. Vị CEO này lăn tăn về việc có nên sa thải người quản lý khu vực Châu Âu – vốn là một người bạn đã cùng ông gây dựng công ty hay không, khi người bạn này không làm tốt công việc trong một thời gian dài.
Thay vì đưa ra lời khuyên cho vị CEO đã ngấp nghé tuổi hưu, ông Dave hỏi lại: "Với những gì ông đã quan sát trong suốt thời gian qua, bản năng ông mách bảo điều gì?"
GS. Dave chưa từng gặp và cũng không hề biết đến người quản lý khu vực Châu Âu của doanh nghiệp này, nhưng ông biết người đàn ông đang nhờ ông tư vấn là ai, có bao nhiêu năm kinh nghiệm và có bao nhiêu năm làm việc sát cánh cùng người ông dự định sa thải.
Vị CEO này im lặng và quyết định sa thải người bạn kia.
Vị CEO thứ 2 mà GS. Dave coaching là một chàng trai 29 tuổi, sở hữu doanh nghiệp công nghệ chuyên về outsourcing trị giá 2 tỷ USD. Khi chàng trai này bày tỏ ý định muốn sa thải một người nhân viên, ông Dave chỉ cười và nói cậu ta còn quá trẻ, chưa nhiều trải nghiệm để có một linh tính đúng đắn.
"Tôi đã bảo cậu đó chưa có đủ bản năng của một doanh nhân, nên cần đi thu thập dữ liệu và tổng hợp lại đã. Nếu người lãnh đạo đã có nhiều năm kinh nghiệm hãy sử dụng bản năng của mình".
"Nếu có 10.000 giờ kinh nghiệm, hãy tin vào linh tính mách bảo. Còn không thì đừng, hãy đi thu thập dữ liệu thật tốt trước đã", ông Dave nhắn nhủ.
Bảo Bảo