Đằng sau ý định đưa 200 doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam của Samsung là gì?
- Thứ bảy - 07/07/2018 08:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bên cạnh nỗ lực giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng, Samsung cũng đang trù tính đưa thêm 200 nhà sản xuất ngoại Việt Nam, phục vụ cho sản xuất.
Thực tế đại đa số các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Kocham nói tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VBF, sáng 4/7.
"Nỗ lực" là từ được ông Kim Heung Soo dùng nhiều lần, cho cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc để cải thiện tình trạng này. Trong đó, Samsung được ông Heung Soo dẫn ra như một ví dụ điển hình cho việc tích cực lan toả giá trị của doanh nghiệp FDI.
26 doanh nghiệp trong nước, qua sự hướng dẫn của Samsung, từ năm 2015 đến năm 2017 đã cải thiện được hiệu suất vận hành thiết bị hơn 30%, giảm tỷ lệ lỗi hơn 20%...
Nhưng cũng chính Samsung, qua lời thuật lại của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI), đang có ý định đưa 200 nhà cung ứng ngoại vào Thái Nguyên, phục vụ cho việc sản xuất. Tin này được ông Lộc nhận định vừa vui, vừa buồn.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Lộc khẳng định không hề có sự mâu thuẫn trong cách làm của Samsung với những quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt của Hàn Quốc.
Ông Lộc nói rằng, một mặt, Samsung cần có những nhà cung ứng có thể ngay lập tức đáp ứng các yêu cầu sản xuất của họ, việc mà doanh nghiệp Việt Nam đang làm được rất ít. Mặt khác, họ cũng đang tăng cường sự kết nối, nâng cấp các doanh nghiệp địa phương để cùng tham gia vào chuỗi.
Nghĩa là trong cùng một thời điểm, Samsung đang đặt ra cho mình hai tuyến công việc hướng đến cả lợi ích trong ngắn hạn và trong dài hạn.
Chủ tịch VCCI nhận định việc hỗ trợ doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam vẫn là hướng đi quan trọng để Samsung "bám rễ sâu, và phát triển bền vững, ổn định" tại thị trường quy mô gần 100 triệu dân.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), khi trả lời Trí Thức Trẻ cũng cho rằng cách làm của Samsung là hợp lý. Bởi đến nay, sức đáp ứng của doanh nghiệp Việt cho sản phẩm phụ trợ còn rất yếu, chưa thể đảm bảo được các yếu tố gồm: chất lượng cao, giá thành thấp, số lượng nhiều, thời gian giao hàng chính xác.
Chính bởi vậy, việc doanh nghiệp như Samsung đưa các doanh nghiệp ngoại vào là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt tích cực, ông Toàn nói rằng Việt Nam có thể học được từ các doanh nghiệp phụ trợ này, đồng thời, xem đó là động lực để tiếp tục vươn lên.
"Nỗ lực của doanh nghiệp trong nước đã đủ đảm bảo hay chưa?", Phó Chủ tịch VAFIE đặt vấn đề. Những nỗ lực đó chính là việc quan tâm cải thiện năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0.
Nhưng sự vươn lên của doanh nghiệp Việt, nỗ lực đến từ một phần, phần còn lại, mang tính chất căn cơ, đến từ môi trường kinh doanh thuận lợi.
"Điều kiện rất quan trọng là cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính... những điều này sẽ tạo thuận lợi cho DNNVV lớn lên. Chỉ khi khối tư nhân lớn khỏi, họ mới có thể cùng tham gia, hợp tác mạnh mẽ với các tập đoàn đa quốc gia", ông Vũ Tiến Lộc nhận xét.
Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Lộc cho biết cần phải thay đổi cả triết lý, cách tư duy. Ông Lộc nói rằng chỉ nên hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng, chọn người chiến thắng – take winner – chứ không phải rải mành mành, gây lãng phí nguồn lực.
Trở lại câu chuyện của Samsung, ông Lộc chia sẻ rằng Thái Nguyên và Samsung đã bàn với nhau hình thành một quỹ phát triển DNNVV cho địa phương. Quỹ này sẽ được dùng để "nâng cấp"các doanh nghiệp có tiềm năng. Như vậy, trong tương lai, nhiều doanh nghiệp Việt sẽ có thể tham gia vào cuộc chơi công nghiệp hỗ trợ này.