Mối nguy thật sự của thương mại thế giới
- Thứ năm - 13/09/2018 08:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bằng cách đóng băng quy trình bổ nhiệm thẩm phán mới cho Cơ quan Phúc thẩm, Mỹ có thể khiến khả năng dàn xếp tranh chấp thương mại của WTO tê liệt hoàn toàn.
Hệ thống thương mại thế giới đang gặp nguy hiểm nhưng mối nguy không đến từ cả cuộc chiến thuế quan lẫn lời đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới(WTO) của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thay vào đó, nó xuất phát từ một quy trình mà hầu hết chúng ta chưa nghe nói đến - quy trình giải quyết tranh chấp của WTO.
Có thể vào cuối năm sau, khả năng dàn xếp các vụ tranh chấp thương mại của WTO sẽ bị tê liệt hoàn toàn. Các chuyên gia của Viện Peterson (Mỹ) cảnh báo "cơ chế xử lý tranh chấp đang gặp khủng hoảng" và "nếu không tháo ngòi được, khủng hoảng này sẽ biến hệ thống thương mại thế giới quay trở lại thời kẻ mạnh muốn làm gì thì làm, tức các nền kinh tế lớn có thể đơn phương hành động và dùng cách trả đũa để giành lợi thế".
Viễn cảnh này có vẻ phù hợp với ông Trump cũng như tham vọng "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông. Ngoài ra, nó chẳng tốt lành gì cho ai khác.
Trụ sở của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Geneva - Thụy Sĩ Ảnh: REUTERS
Nhiều người đánh giá quy trình giải quyết tranh chấp là thành tựu chính của vòng đàm phán Uruguay kéo dài cả thập kỷ (hoàn tất vào năm 1994) nhằm thành lập WTO. Thỏa thuận từ vòng đàm phán này không chỉ giảm thuế và các rào cản thương mại, đầu tư khác mà còn lập ra các quy định dàn xếp tranh chấp giữa các nền kinh tế.
Trong 21 năm kể từ khi có hiệu lực, quy trình giải quyết tranh chấp đã xử lý tổng cộng hơn 500 vụ việc (nhiều vụ được dàn xếp song phương hoặc rút đơn), trong khi hơn 280 vụ khác dẫn đến kiện tụng. Tiếng nói phân xử cuối cùng thuộc về Cơ quan Phúc thẩm gồm 7 thẩm phán và các nền kinh tế dính tới tranh chấp buộc phải chấp hành quyết định của cơ quan này. Tỉ lệ chấp hành rất cao (khoảng 90%) giúp Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo mạnh mẽ tuyên bố hệ thống giải quyết tranh chấp "được các thành viên cực kỳ tin tưởng và đánh giá nó xử lý các vấn đề thương mại một cách công bằng, hiệu quả".
Buồn thay, có một nền kinh tế khó chiều không đồng tình. Đó là Mỹ. Hơn 1 thập kỷ qua, Mỹ luôn phàn nàn các thẩm phán của Cơ quan Phúc thẩm "lạm quyền" dù đây chính là quốc gia tích cực sử dụng cơ chế này nhất và nộp đơn kiện lên WTO nhiều hơn cả Liên minh châu Âu và Trung Quốc cộng lại. Nguyên nhân cơ bản là Mỹ không chịu chấp nhận các phán quyết không phải do hệ thống pháp lý của mình đưa ra.
Ông Trump chê bai WTO là "tai ương, thảm họa", đồng thời khẳng định "WTO phục vụ lợi ích của mọi người, trừ chúng ta". Theo ông, các trường hợp Mỹ thua là vì các nước khác có nhiều thẩm phán hơn. Các chuyên gia thương mại phản bác rằng thực ra, Mỹ có tỉ lệ thắng cao hơn các nước khác và nước này còn có đặc quyền luôn có một thẩm phán của Cơ quan Phúc thẩm là người Mỹ.
Chính vì tâm lý không chịu chấp nhận các phán quyết từ nước khác mà trong cuộc tranh cãi về một Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới, Mỹ đòi bãi bỏ quy trình xử lý tranh chấp độc lập của NAFTA và thay vào đó muốn các tranh chấp được đưa ra tòa án Mỹ. Cũng không phải ngẫu nhiên khi một yếu tố quan trọng khiến Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ chế xử lý tranh chấp độc lập.
Không thuyết phục được các thành viên WTO khác "hạ đô" quyền lực của Cơ quan Phúc thẩm, từ giữa năm 2017, Mỹ áp dụng chiến lược ma mãnh hơn: Làm tê liệt cơ chế xử lý tranh chấp phúc thẩm bằng cách cản trở quy trình bổ nhiệm thành viên mới. Theo quy định của WTO, Cơ quan Phúc thẩm bao gồm 7 thẩm phán, mỗi vị được bổ nhiệm trong 4 năm (và có thể được tái bổ nhiệm 1 nhiệm kỳ 4 năm nữa). Mỗi vụ phúc thẩm phải do 3 thẩm phán xem xét. Việc Mỹ ngăn cản, không cho bổ nhiệm thẩm phán mới (khi nhiệm kỳ cũ hết hạn) khiến Cơ quan Phúc thẩm hiện trống 3 ghế.
Vào cuối tháng 9 này, đến lượt ông Shree Baboo Chekitan Servansing, thẩm phán người Mauritania, hết nhiệm kỳ. Vậy là từ ngày 1-10 trở đi, Cơ quan Phúc thẩm chỉ còn 3 thẩm phán - vừa đúng yêu cầu tối thiểu để tiếp tục hoạt động. Nhưng từ nay tới tháng 12-2019, 2 thẩm phán nữa sẽ ra đi. Lúc đó, cơ chế phúc thẩm coi như bị đóng băng hoàn toàn.
Nói một cách ngắn gọn, Mỹ rất thành công trong việc bắt quy trình xử lý tranh chấp quan trọng của WTO làm "con tin". Có rất ít biện pháp giải quyết khủng hoảng này, trừ khi các thành viên WTO tìm ra những hướng tiếp cận mới để cập nhật và làm rõ quyền cũng như nghĩa vụ của tổ chức quốc tế này. Có thể Mỹ không quan tâm tới chuyện tìm giải pháp bởi họ muốn nắm WTO từ bên trong. Thế nhưng, chỉ cần mọi người chịu thương lượng, ánh sáng vẫn ở cuối đường hầm.