CÔNG TY TNHH TÔN VÀ GIẢI PHÁP BAO CHE AN LẠC

https://tonkhongvit.com


Soi nợ ngàn tỷ của Hoa Sen

Soi nợ ngàn tỷ của Hoa Sen
Nguyên nhân nào khiến Hoa Sen Group (HSG) có doanh thu trên 26.360 tỷ đồng năm 2017 lại lâm nợ 18.000 tỷ đồng năm 2018?

Soi nợ ngàn tỷ của Hoa SenẢnh minh họa.

Vay ngắn hạn cho các khoản đầu tư dàn trải

Gam màu tối khiến bức tranh kinh doanh của Hoa Sen trở nên ảm đạm chính là nợ vay. Tính đến thời điểm 31.3.2018, doanh nghiệp này có tổng dư nợ là 18.210 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 12.740 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 70% nội bảng dư nợ), nợ dài hạn là 3.050 tỷ đồng (tỉ trọng 16,73%). Theo báo cáo kiểm toán cùng kỳ của E&Y, chi phí lãi vay của Hoa Sen là 387 tỷ đồng cho kỳ kế toán 6 tháng, đồng nghĩa với việc Hoa Sen phải gánh 2 tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày.

Nhiều ý kiến cho rằng chính mục tiêu tăng trưởng và áp lực duy trì thị phần là nguyên nhân chính khiến Hoa Sen nặng nợ. Tham vọng cán mức 1 tỷ USD có lẽ khiến tập đoàn này dồn mọi nguồn lực để đạt được.

Soi no ngan ti cua Hoa Sen
 

Sản lượng tiêu thụ thành phẩm năm 2016 của Hoa Sen là 1,2 triệu tấn, doanh thu cùng năm là 17.890 tỷ đồng. Năm 2017, doanh nghiệp đạt sản lượng tiêu thụ thành phẩm 1,559 triệu tấn (tăng trưởng 25% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu 5%); doanh thu đạt 26.140 tỷ đồng (tăng trưởng 46%, vượt 14% kết hoạch). Tuy nhiên, trong năm 2017, doanh nghiệp này đã phải đầu tư quá mức và phát sinh khoản nợ lên đến 8.088 tỷ đồng khi tổng dư nợ năm 2016 (8.180 tỷ đồng) và 2017 (16.268 tỷ đồng). 

Cụ thể, Hoa Sen đã phải “gồng mình” liên tục xây dựng và mở rộng dây chuyền sản xuất. Trong niên độ 2016-2017, doanh nghiệp này đầu tư một loạt dự án nhà máy Hoa Sen tại Nghệ An, Nhơn Hội (Bình Định), Hà Nam, nhà máy ống kẽm Yên Bái và nhà máy ống thép mạ kẽm Phú Mỹ.

Cuộc đua mở rộng năng lực sản xuất của Hoa Sen bắt đầu từ năm 2016 khi thị phần tôn mạ của Tập đoàn rơi xuống 33% từ mức gần 40% của 3 năm trước đó. Lãnh đạo của Hoa Sen đã quyết định vay nợ để cải thiện vị thế, nâng sức cạnh tranh và giành lại thị phần.

Soi no ngan ti cua Hoa Sen
 

Ngoài đầu tư cho nhà máy sản xuất, Hoa Sen còn triển khai những dự án trái ngành như Trung tâm thương  mại Yên Bái và dự án căn hộ Hoa Sen Tower Quy Nhơn. Tính đến ngày 30.6.2018, nợ vay và thuê tài chính của Tập đoàn cán đích 15.880 tỷ đồng. 70% nợ vay là ngắn hạn mà doanh nghiệp này lại đầu tư dài hạn. Do đó, khi thị trường tài chính biến động, Hoa Sen có thể đối mặt với nhiều nguy cơ. Các khoản phải thu nhiều, nợ vay gia tăng và lợi nhuận trên đà sụt giảm không khỏi khiến các cổ đông của Hoa Sen suy nghĩ.

Quay lại 10 chữ T

Qua 5 tháng đầu năm 2018, cổ phiếu HSG của Hoa Sen đã giảm 12.420 đồng/cổ phiếu, tương đương 51,8%, chỉ còn 11.550 đồng/cổ phiếu, gây áp lực rất lớn cho cổ đông. Nhiều cổ đông lớn như Công ty Tâm Thiện Tâm và Amersham Industries Limited đều thoái lượng lớn cổ phiếu HSG để chốt lỗ.

Những dự án bất động sản của Hoa Sen hiện cũng không mấy khả quan. Trong năm 2018, tỉnh Bình Định đang xem xét thu hồi dự án trung tâm dịch vụ, khách sạn và căn hộ Hoa Sen Tower City với lý do vướng mắc giải tỏa mặt bằng. Dự án tại khu đất vàng số 1 Ngô Mây (Quy Nhơn) đến giờ vẫn là bãi đất hoang.

Ngoài những khó khăn trên, Hoa Sen còn đối mặt với rào cản giá vốn hàng bán quá cao và chi phí bán hàng tăng đáng kể. Theo báo cáo tài chính ngày 30.3.2018, giá vốn hàng bán trong 6 tháng của doanh nghiệp là 13.300 tỷ đồng, chiếm tới 85% tỷ trọng doanh thu. Doanh thu trong kỳ là 15.600 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến giá vốn cao là giá nguyên vật liệu tăng mạnh. Năm 2017, giá HRC (thép cán nóng - nguyên liệu đầu vào của tôn) có thời điểm lên đến 600 USD/tấn.

Soi no ngan ti cua Hoa Sen
 

Tình cảnh trên khiến lợi nhuận của Hoa Sen bị thu hẹp. Quý I/2018, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn vỏn vẹn 87 tỷ đồng, quý II/2018  cũng còn 83 tỷ đồng. Tuy nhiên, thị phần chiếm giữ của đơn vị này phần nào trấn an cổ đông. Trong năm 2017, Hoa Sen giữ vững vị thế dẫn đầu về thị phần tôn, với 34,3% (tăng 2% so với năm 2016). Trong đó, Nam Kim là đối thủ theo sát Hoa Sen với thị phần 16%. Về thép, thị phần của Hoa Sen đứng thứ 2, đạt 17,6%, xếp sau Hòa Phát (26,4%).

Có lẽ ở thời điểm hiện tại, Hoa Sen cần đi chậm lại và phát triển theo văn hóa “10 chữ T” được đề ra năm nào. Trong đó, “trung thành” với chuyên môn cốt lõi và “trí tuệ” với chiến lược phát triển. Bên cạnh đó, Hoa Sen cần phải có cơ chế giám sát biến động giá nguyên vật liệu hiệu quả, cũng như chiến lược mua nguyên liệu vào thời điểm giá tốt. Thay vì làm nhiều mà lời ít, thì sao không làm vừa đủ và lời nhiều? Thay vì chạy theo vòng xoáy thị trường, tại sao không bảo toàn giá trị của Hoa Sen để đi xa và bền vững?

Nguồn tin: NCĐT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây