Từ cách mạng công nghiệp lần đầu tiên đến lần thứ 4
- Thứ ba - 04/07/2017 12:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ cách mạng công nghiệp lần đầu tiên đến lần thứ 4
Cách mạng công nghiệp diễn ra lần đầu tiên với việc cơ giới hóa sản xuất bằng cách tận dụng năng lượng hơi nước; cách mạng công nghiệp lần thứ hai gắn liền với điện lực và sản xuất dây chuyền. Tiếp đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba hoàn thành nhờ điện tử và công nghệ thông tin phục vụ tự động hóa quy trình sản xuất. Đến nay, Đức đã tiên phong với khái niệm “Nhà máy thông minh”, thúc đẩy cả thế giới tiến vào công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo điều kiện cho việc hiện thực hóa “nhà máy thông minh” Tất cả máy móc, thiết bị, sản phẩm, kho hàng và công cụ giữa “Nhà máy thông minh” đều được kết nối và có thể tương tác với nhau. Thêm vào đó, nhà máy cũng có thể tương tác với nhân viên qua thiết bị di động. “Nhà máy thông minh” giống như một khối kết cấu và cấu hình linh hoạt của nó cho phép thêm vào hoặc rút ra các phần khác nhau của dây chuyền sản xuất gần như ngay lập tức. Việc sản xuất linh hoạt này cho phép việc đa dạng hóa sản phẩm trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp có thể đáp ứng được từng nhu cầu của từng khách hàng. Hình thức sản xuất này cho phép các nước có mức sống cao như Đức có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong sản xuất.
Theo tờ Wall Street, nhà máy thông minh của tập đoàn hàng đầu về hóa chất BASF SE ở thành phố Kaiserslautern , Đức đã sản xuất dầu gội đầu và xà phòng hoàn toàn theo nhu cầu của khách hàng. Đầu tiên, các đơn hàng thử nghiệm được đặt online, sau đó các chai xà phòng rỗng sẽ được đính nhãn để nhận biết trên dây chuyền lắp ráp. Đồng thời, các thông tin theo yêu cầu về loại xà phòng, mùi thơm, nhãn hiệu và nắp chai được truyền tải tới các máy sản xuất. Mỗi chai xà phòng trên băng chuyền có thể khác biệt hoàn toàn với nhau.
Mặc dù các quốc gia Đông Nam Á là nơi tập trung các nhà máy sản xuất, nhưng việc bắt kịp các công nghệ tiên tiến để duy trì hiện trạng với các đối thủ cạnh tranh cũng rất cần thiết. Như vậy, hoạt động sản xuất được coi là nguồn lực chủ chốt của việc ứng dụngcông nghệ IoT tại các quốc gia Đông Nam Á. Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cũng khẳng định rằng việc áp dụng các công nghệ mang tính đột phá có thể gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu chi phí cho các nhà sản xuất, nhiều khả năng tạo ra ảnh hưởng kinh tế từ 25 tỷ tới 45 tỷ đô la Mỹ tại các nước Đông Nam Á tính đến năm 2030.
“Nhà máy thông minh” quan trọng như thế nào đối với ngành sản xuất Việt Nam?
Việt Nam đang dần trở thành nơi sản xuất trọng yếu. Đây là một thị trường mới nổi lên với chi phí nhân công rẻ cho nhiều nhà sản xuất đang đối mặt với chi phí nhân công gia tăng từ các nước lân cận như Trung Quốc và Thái Lan, với các công ty hàng đầu như Intel và Siemens đã đầu tư hàng tỷ đô la vào nhiều nhà máy khắp đất nước. Mới đây, Samsung đã thông báo kế hoạch tiếp tục tăng 20 tỷ đô la Mỹ để đầu tư vào Việt Nam vào năm 2017. Tuy vậy, toàn cảnh ngành sản xuất Việt Nam cũng không tránh khỏi sự gia tăng của robot. Trong sự phát triển toàn cầu của tự động hóa để giảm thiểu chi phí nhân công và sai sót kỹ thuật, những trung tâm sản xuất như Việt Nam và Thái Lan đã được gì và mất gì? Những nhà sản xuất phải tận dụng lợi thế cạnh tranh sẵn có như thế nào để vừa tiếp tục đổi mới vừa ở vị thế dẫn đầu?
Ngay lúc này, những nhà sản xuất Việt Nam vẫn có thể tận dụng chi phí nhân công rẻ hơn so với các nước lân cận (Theo tổ chức lao động quốc tế, lương bình quân hàng tháng ở Việt Nam khoảng 197 Đô la Mỹ, so với 391 đô la Mỹ tại Thái Lan và 613 đô la Mỹ tại Trung Quốc vào năm 2013). Tuy nhiên, việc sử dụng lao động là con người thường mắc phải một số vấn đề về quản lý chất lượng, hiệu quả và sự gia tăng chi phí nhân công khi Việt Nam cũng đang cố gắng dịch chuyển từ các danh mục đầu tư truyền thống sang các sản phẩm có giá trị cao hơn như: chipset và các linh kiện thiết bị di động.
Vinamilk là đơn vị doanh nghiệp hiện đang dẫn đầu công cuộc đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Vinamilk sở hữu một trong những nhà máy sản xuất sữa hiện đại nhất thế giới, cho phép sản xuất với số lượng gấp đôi, giảm thiểu gần như tối đa số lần nhập nguyên vật liệu và lỗi kỹ thuật. Việc ứng dụng sớm công nghệ IoT và tự động hóa mang lại cơ hội cho các nhà sản xuất đi trước thời đại, duy trì lợi thế cạnh tranh đồng thời bắt kịp với những đổi mới của công nghệ. Việc thu thập dữ liệu cho phép các nhà điều hành gia tăng hiệu quả và giảm thiểu sai sót do con người gây ra một cách tối đa, chẳng hạn như việc sử dụng bộ cảm biến để theo dõi tình trạng máy móc và gửi thông báo tới công ty khi cần phải bảo trì, thay vì kiểm tra định kỳ tốn kém hay là bất ngờ bị hư hỏng. Hơn nữa, việc chính phủ và luật pháp hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới sẽ cho phép thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.