Với quyết định áp thuế tự vệ thương mại cho mặt hàng tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam, doanh nghiệp ngành tôn thép đang đứng trước cơ hội gia tăng thị phần.
Ngày 31/5/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định 1931/QĐ-BCT về áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, hạn ngạch nhập khẩu năm đầu tiên từ 15/6/2017 là 323.120 tấn, tăng 15% trong 2 năm sau đó. Hạn ngạch được phân bổ cho thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Lượng nhập khẩu ngoài hạn ngạch sẽ áp dụng mức thuế tự vệ 19%.
Như vậy, sau khi Bộ Công thương áp dụng mức thuế chống bán phá giá 19 - 38% đối với tôn mạ nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và các nước khác trong 5 năm có hiệu lực kể từ ngày 14/4/2017 thì tôn mạ cũng được áp thuế tự vệ.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2016, lượng tôn mạ và sơn phủ màu nhập khẩu là 1,86 triệu tấn, tăng hơn 30% so với lượng nhập khẩu năm 2015 và chiếm hơn 50% thị phần nội địa.
Tổng lượng sản xuất và bán hàng tôn mạ và sơn phủ màu của doanh nghiệp trong nước chỉ đạt lần lượt 3,37 và 2,93 triệu tấn.
Việc áp thuế cao với tôn mạ và thuế tự vệ với lượng nhập khẩu ngoài hạn ngạch sẽ trở thành rào cản với sản phẩm tôn thép nhập khẩu, giảm sức ép cạnh tranh cho sản phẩm trong nước.
Hạn ngạch nhập khẩu tôn màu chỉ bằng 1/6 so với tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này trong năm ngoái, vài chục phần trăm thị phần của tôn mạ và tôn màu nhập khẩu còn lại sẽ là dư địa cho các doanh nghiệp nội gia tăng thị phần.
Được biết, CTCP Đại Thiên Lộc (DTL), CTCP Thép Nam Kim (NKG) và CTCP Tôn Đông Á là nhóm công ty khởi xướng việc điều tra áp thuế tự vệ với tôn mạ màu. Đây là những công ty sản xuất chuyên ngành trong lĩnh vực tôn thép.
Tuy nhiên, doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất khi áp thuế tự vệ tôn thép lại là CTCP Hoa Sen (HSG), nhà sản xuất tôn thép có thị phần lớn nhất với 28,1% thị phần trong năm 2016 và 31,4% thị phần trong 4 tháng đầu năm qua.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), sản lượng mạ màu chiếm 25% sản lượng tiêu thụ tôn mạ của HSG và 11% sản lượng tiêu thụ tôn mạ của NKG trong 4 tháng đầu năm 2017. Thị phần tôn thép của NKG ở mức 9,7% năm ngoái và 5,1% trong 4 tháng đầu năm nay.
Ở mức giá hiện tại, HSG và NKG đang giao dịch tại PE dự phóng 12 tháng là 5,7 và 5,5 lần. SSI ước tính, cả hai công ty này có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận từ 14 - 17% trong năm 2017.
Theo các thông tin trên thị trường thì HSG sẽ tiếp tục tăng sản lượng sản xuất nhờ các dây chuyền mới đầu tư ở miền Trung đi vào sản xuất.
Với kế hoạch đặt ra từ trước, HSG sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ tức cao bằng cổ phiếu trong năm tài chính tới. Việc tăng vốn của HSG là tiền đề để triển khai các dự án thép quy mô lớn trong thời gian tới, dù trước mắt, dự án này đang gặp khó khăn về quy trình thủ tục.
Trong khi đó, NKG vừa chia cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, NKG đặt kế hoạch lợi nhuận 600 tỷ đồng, riêng quý I đã đạt 156 tỷ đồng lãi ròng do các dây chuyền đều hoạt động hết công suất.
Thời gian tới, NKG sẽ tiếp tục đưa vào vận hành các dây chuyền mạ NOF công suất 150.000 tấn, mạ màu 120.000 tấn, cán nguội 200.000 tấn.
Cuối năm nay, Công ty dự kiến sẽ đưa dây chuyền mạ NOF (sản phẩm kẽm lạnh công suất 350.000 tấn/năm) vào hoạt động. Đây là cơ sở để các nhà sản xuất tôn thép như NKG tiếp tục phát triển tăng thị phần ở thị trường nội địa.
Là một trong 3 doanh nghiệp khởi xướng điều tra áp thuế với tôn màu nhập khẩu, DTL cũng cho biết, năm nay là năm thuận lợi với doanh nghiệp tôn thép, bởi thị trường xuất khẩu đều áp dụng thuế tự vệ với tôn thép nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi thị trường nội địa từ trước đến nay lại không có rào cản với hàng nhập khẩu.
Điều này khiến công suất sản xuất tôn thép ở thị trường trong nước dư thừa khá lớn. Các doanh nghiệp phải loay hoay tìm kiếm thị trường xuất khẩu xa hơn các nước trong khu vực để có đầu ra.
Việc áp thuế tự vệ thương mại với hàng tôn màu về cơ bản sẽ hạn chế gia tăng hàng nhập khẩu giá rẻ vào thị trường Việt Nam, nhất là từ Trung Quốc với chất lượng khó kiểm định.
Về cơ bản, mức độ hưởng lợi trực tiếp của các doanh nghiệp tôn thép là có, doanh nghiệp quy mô càng lớn thì cơ hội gia tăng thị phần, đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ cũng lớn hơn.
Đây cũng là biện pháp giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp tôn thép trong nước trước những biến động của thị trường thế giới. Như vậy, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có thể giảm nỗi lo về những cú sốc giá, ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thép trong nước như câu chuyện hồi đầu năm 2016.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn