Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 26.000 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt 326 tỷ USD, trong đó 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Khu vực FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Chuyển giao công nghệ ở khu vực FDI vẫn chưa đạt mục tiêu. (Ảnh minh họa: Sản xuất thiết bị di động trên dây chuyền công nghệ hiện đại tại nhà máy của Samsung) - Nguồn: Báo Đầu tư
Tại Hội nghị về thu hút và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn ra tại Hà Nội mới đây, nhiều chuyên gia đã chỉ ra mặt trái của kỳ vọng chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định, trong khi được trải thảm nhiều ưu đãi và chính sách đất đai, thuế, khu vực FDI vẫn phát triển khá biệt lập, làm gia công, ít đầu tư nghiên cứu sáng chế và đặc biệt không chịu chuyển giao công nghệ và vòng đời thiết bị cho doanh nghiệp (DN) Việt.
Nguyên nhân là do chính sách của Việt Nam không bắt buộc doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ mà chủ yếu là khuyến khích các DN FDI chuyển giao mà không có ràng buộc pháp lý.
Ông Trần Toàn Thắng
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KHĐT) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có sự thay đổi nhanh về năng suất trong thời gian qua nhờ nguồn vốn FDI, nhưng đóng góp của công nghệ là không nhiều.
Theo ông Trần Toàn Thắng, tỷ lệ DN sử dụng công nghệ có "vòng đời" trong vòng 5 năm trở lại đây rất thấp. DN Việt chủ yếu vẫn đầu tư vào công nghệ với mục đích giảm giá thành sản phẩm thay vì tạo ra sản phẩm mới để thâm nhập thị trường. Tỷ lệ chi tiêu nghiên cứu và phát triển thấp nhất trong khối ASEAN, chủ yếu đầu tư vào người quản lý chứ không phải mua bán dây chuyền công nghệ.
Trong khi đó, ông Thẳng chỉ rõ, hầu hết DN Việt nhận chuyển giao công nghệ từ DN trong nước khác ngành, lĩnh vực. "Chúng ta cũng có sự chuyển giao công nghệ theo chiều dọc nhưng không phải từ FDI mà là phía DN Việt Nam với nhau", ông Thắng nói.
Ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, đánh giá, sự lan tỏa, chuyển giao công nghệ ở khu vực FDI rất thấp. "Hội của chúng tôi gồm 3.000 doanh nghiệp nhưng không cảm nhận được công nghệ từ FDI lan tỏa vào DN trong nước thế nào", ông Tiến nói.
TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh
Để nguồn vốn FDI tác động lan tỏa tới nền kinh tế, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, để các doanh nghiệp có thể một mặt cạnh tranh lành mạnh nhưng mặt khác hợp tác, liên kết sản xuất.
TS. Tuệ Anh lưu ý, chính sách thu hút FDI thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự hướng tới tương tác liên kết sản xuất giữa DN FDI và DN Việt, cũng như hài hòa mục tiêu thu hút FDI với chính sách phát triển DN trong nước./.
Tác giả bài viết: Trần Ngọc