Rà soát lại chính sách ưu đãi cho Formosa Hà Tĩnh
Đầu tháng 5/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đánh giá tổng thể lại việc thực hiện chính sách ưu đãi với siêu dự án FDI - khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Vũng Áng.
Dự án thép Formosa Hà Tĩnh được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 6/2008 bao gồm quyền sử dụng 2.025ha đất và 1.293ha mặt nước tại Khu Kinh tế Vũng Áng, nằm giữa tỉnh Hà Tĩnh. Dự án bắt đầu khởi công vào tháng 7/2008. Đây là một dự án có quy mô tầm cỡ thế giới, với vốn đầu tư thực tế đến thời điểm cuối năm 2017 lên đến 12,87 tỷ USD.
Giai đoạn 1, công suất nhà máy thép của Formosa khoảng 7,1 triệu tấn và giai đoạn 2 có thể lên tới 22,5 triệu tấn, trong khi tổng công suất của các nhà máy Hòa Phát vào quý II/2020 mới đạt khoảng 7 triệu tấn/năm (công suất của nhà máy thép Dung Quất Hòa Phát khoảng 4 triệu tấn/năm bao gồm cả HRC).
Thép cuộn cán nóng của Formosa Hà Tĩnh
Nếu so với các doanh nghiệp thép lớn trong khu vực, Formosa Hà Tĩnh có vị trí địa lý đắc địa nhờ có cảng nước sâu Sơn Dương, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 300.000 DTW và cách mỏ quặng của Úc khoảng 3.000 dặm trong khi các doanh nghiệp thép khác trong khu vực cách hơn 4.000 dặm.
Formosa được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế và thuê đất. Doanh nghiệp này được thuê diện tích đất rộng lớn gần 3.300 ha trong thời gian 70 năm (dù quy định chỉ cho phép cho thuê tối đa 50 năm) với giá 4,455 triệu USD, tương đương hơn 96,22 tỉ đồng (mức giá này quá thấp coi như bằng không do đó Formosa đã trả ngay 1 lần). Doanh nghiệp này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu đi vào sản xuất, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo và chỉ phải đóng thuế thu nhập 10% trong 50 năm còn lại. Trường hợp nếu dự lỗ, Công ty Formosa Hà Tĩnh cũng được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo, được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định.
Formosa Hà Tĩnh sau nửa năm vận hành lò cao thứ 2 đã vượt doanh thu của Hòa Phát, lỗ 2 năm liên tiếp
Sau một năm vận hành lò cao số 2, số liệu cho thấy chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, Formosa đã sản xuất được hơn 2 triệu tấn thép thô (phôi thép), dành 1,6 triệu tấn để tiêu thụ nội bộ, xuất bán trong nước gần 300.000 tấn và xuất khẩu gần 159.000 tấn. Sản lượng thép thô sản xuất của Formosa chiếm khoảng 40% toàn thị trường. Năm 2018, Formosa sản xuất hơn 5 triệu tấn thép thô, gấp đôi sản lượng của Hòa Phát; gần 3,44 triệu tấn thép cán nóng, là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất được HRC tính đến thời điểm hiện tại.
Hiện tại sản phẩm chủ lực của Formosa là thép cuộn cán nóng (dùng để làm ống, tôn mạ, vật liệu dùng cho ô tô xe máy) và thép dây cuộn (dùng để sản xuất vật liệu rút dây, dây thép, lưới sắt, ốc vít, đinh…).
Theo bảng số liệu tình hình bán hàng thép xây dựng của Hiệp hội thép, Hòa Phát vẫn đứng đầu thị trường về sản lượng tiêu thụ thép xây dựng (chiếm khoảng 25,7% thị phần toàn thị trường), trong khi Formosa dẫn đầu thị trường về sản lượng tiêu thụ thép cuộn với 227.000 tấn trong 4 tháng đầu năm.
Năm 2018, doanh thu bán hàng của Formosa Hà Tĩnh đạt hơn 64.175 tỷ đồng (cao hơn Hòa Phát 13,42%) và gấp 17 lần năm 2017. Lý do tháng 5/2018 mới chạy thử lò cao số 2.
Do đang trong giai đoạn mới vận hành phải trích khấu hao lớn và chi phí lãi vay, Formosa Hà Tĩnh ghi nhận lỗ hơn 5.200 tỷ năm 2017 và hơn 2.700 tỷ năm 2018, trong khi Hòa Phát năm 2018 lãi hơn 10.000 tỷ trước thuế. Chỉ tính riêng năm 2018, Formosa trích chi phí lãi vay gần 5.900 tỷ đồng (năm 2017 chi phí lãi vay là 1.730 tỷ đồng) khiến công ty ghi nhận lỗ. Đến cuối năm 2018, Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế gần 14.000 tỷ đồng.
Tính riêng mảng thép thì doanh thu của Formosa Hà Tĩnh cao hơn Hòa Phát gần 40%. Bên cạnh thép thì Hòa Phát còn thu về gần 10.000 tỷ từ nông nghiệp, bất động sản, nội thất...
Tổng tài sản của Formosa Hà Tĩnh tại thời điểm 31/12/2018 là 12,7 tỷ USD, tổng nợ vay hơn 7,55 tỷ USD (175.550 tỷ đồng). Công ty đang có tồn kho hơn 1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2017.
Công ty mẹ của Formosa Hà Tĩnh, Formosa Plastic Group - nắm giữ 70% vốn - không có kinh nghiệm trong sản xuất thép, hoạt động chủ yếu của FPG là công nghệ sinh học, chế biến hóa dầu và sản xuất linh kiện điện tử. Tuy nhiên vào năm 2015, China Steel Company, công ty sản xuất thép lớn nhất tại Đài Loan đã rót thêm vốn vào Formosa Hà Tĩnh, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 25%. CSC chuyên sản xuất thép dẹt tại Đài Loan phục vụ cho ngành sản xuất ô tô, công ty có tên tuổi và gần 55 năm kinh nghiệm trong sản xuất thép cán nóng và cán nguội.
Với quy mô hiện tại, duy nhất Hòa Phát có thể "đấu" được với Formosa khi giai đoạn 2 của nhà máy thép Dung Quất Hòa Phát đi vào vận hành và cho ra sản phẩm HRC. Do các nhà máy đã chạy hết công suất và đi vào ổn định nên biên lợi nhuận của Hòa Phát cũng tốt hơn rất nhiều đối thủ. Biên lợi nhuận gộp năm 2018 của Formosa Hà Tĩnh đạt mức 13,4% trong khi Hòa Phát đạt 20,6%. Tại hầu hết các cuộc họp ĐHCĐ thường niên của Hòa Phát, cổ đông đều đặt câu hỏi liệu sự ra đời của Formosa sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến Hòa Phát tuy nhiên ban lãnh đạo tập đoàn này khá tự tin và cho biết suất đầu tư của Dung Quất thấp chỉ bằng 1/3 so với Formosa.
Giám sát chặt vấn đề môi trường
Năm 2016, Formosa Hà Tĩnh bị phản đối dữ dội sau khi xả thải ra biển làm chết cá dọc 200km bờ biển miền Trung. Công ty đã nhận trách nhiệm và bồi thường 500 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam và cam kết sẽ khắc phục sự cố môi trường. Chính phủ Việt Nam tạo môi trường đầu tư thông thoáng chuyên nghiệp nhưng giám sát chặt chẽ và yêu cầu Formosa Hà Tĩnh phải đảm bảo về môi trường, không được để ra hậu quả lần thứ hai, nếu không sẽ dừng sản xuất.
Khi hai lò cao đi vào vận hành lượng nước thải của Formosa lên tới 28.800m3/ngày đêm, các trạm xử lý nước thải của dự án có công suất 45.000m3/ngày đêm
Theo thông tin từ Tuổi trẻ, tháng 5/2019 Công an Hà Tĩnh đã gửi công văn kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường. kiểm tra giám sát xử lý hoạt động của Formosa. Mỗi năm, khối lượng chất thải rắn phát sinh của dự án Formosa là hơn 3,36 triệu tấn, trong đó các loại bùn thải, xỉ thép phát sinh và tồn kho với khối lượng rất lớn… Theo phương án tái chế chất thải rắn, bùn lò cao, lò chuyển chứa nhiều kẽm (Zn) nên không thể tái sử dụng trực tiếp. Formosa dự kiến đầu tư lò đáy quay RHF dùng để xử lý tách kẽm ở trong bùn để tái sử dụng các thành phần có ích.
Tuy nhiên, hiệu quả công nghệ này chỉ đạt từ 30 - 70%, phần còn lại có thể sẽ chuyển giao cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Formosa không đánh giá các thành phần nguy hại khác, điển hình như chì (Pb) trong bùn, nếu tái sử dụng hoặc chuyển giao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường…
Công an Hà Tĩnh đề nghị Bộ TN-MT, các bộ ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và yêu cầu Formosa phân loại xử lý các loại chất thải theo đúng nội dung cam kết trong báo cáo ĐTM và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường…
Formosa Hà Tĩnh cho biết họ đã đóng góp cho ngân sách tỉnh Hà Tĩnh 7.388 tỷ đồng năm 2018. Số liệu dự toán thu chi cân đối ngân sách địa phương của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu NSNN trên địa bàn Hà Tĩnh năm 2018 đạt 8.508 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với các tỉnh khác như Đà Nẵng (25.875 tỷ) hay Quảng Nam (gần 19.700 tỷ). Sau khi lò cao số 2 của Formosa đi vào vận hành, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.
Tác giả bài viết: Tâm An
Nguồn tin: Trí thức trẻ