Có thể thấy chiến tranh thương mại diễn ra trong năm ngoái và xu hướng bảo hộ tại các thị trường nước ngoài đã khiến ngành thép Việt Nam nói chung và ngành tôn nói riêng gặp nhiều khó khăn. Báo cáo quý 1 cho thấy nhiều doanh nghiệp thép đều sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ hai con số, thậm chí nhiều công ty báo lỗ.
Doanh thu "không tệ"
Có thể thấy kết thúc quý 1/2019 các doanh nghiệp ngành thép vẫn đạt được mức tăng trưởng về doanh thu, theo đó có 7/11 doanh nghiệp thép có mức doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng về doanh thu mạnh nhất thuộc về SMC với mức tăng trưởng 27% nhờ sản lượng bán hàng tăng 25%.
Ở chiều ngược lại có trường hợp của Thép Dana – Ý (DNY) doanh thu sụt giảm mạnh do trong quý 1 doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tạm dừng sản xuất do vẫn bị thành phố Đà Nẵng đình chỉ sản xuất, doanh thu trong kỳ của công ty là đến từ việc thanh lý hoặc xuất trả vật tư thiết bị có thời hạn sử dụng ngắn.
Thép Việt Ý (VIS) cũng có mức doanh thu sụt giảm 21% nguyên nhân là do nhà máy phôi của công ty tiếp tục hoạt động cầm chừng do sản phẩm không cạnh tranh được về giá và nhu cầu sử dụng thép giảm do trong dịp Tết Nguyên đán các công trình xây dựng nghỉ tết nên sản lượng tiêu thụ thấp.
Thép Nam Kim (NKG) do giảm sút doanh thu xuất khẩu nên doanh thu quý 1 giảm 18%, cũng do doanh thu của thị trường xuất khẩu giảm mạnh đã khiến doanh thu quý 1 của Đại Thiên Lộc (DTL) giảm 9%.
Áp lực giá vốn cao, doanh nghiệp thép không lỗ thì cũng chỉ lãi thấp
Đã có tới 5 doanh nghiệp thép báo lỗ trong đó lớn nhất là khoản lỗ của thép Nam Kim, doanh nghiệp này đã báo lỗ 102 tỷ đồng trong quý 1/2019 do biến động của giá nguyên vật liệu. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp NKG báo lỗ, trước đó vào quý 4/2018 NKG đã bất ngờ báo lỗ tới 173 tỷ đồng.
Cũng vì giá vốn tăng cao đã khiến thép Pomina lỗ 82 tỷ đồng trong quý 1, trong khi cùng kỳ năm ngoái báo lãi hơn 226 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên sau 4 năm có lãi, từ quý 1/2015. Đối với khoản lỗ gần 57 tỷ đồng của DNY thì nguyên nhân chính là do công ty vẫn đang bị Tp. Đà Nẵng đình chỉ sản xuất, DNY cho biết hiện công ty đã khởi kiện vụ việc công ty bị đình chỉ sản xuất ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công ty và hàng trăm cổ đông.
Tiếp đó Thép Việt Ý (VIS) báo lỗ 34 tỷ đồng là do giá đầu vào các nguyên vật liệu tăng lên trong khi giá đầu ra của sản phẩm thép không có sự thay đổi tương ứng. Trong quý 1 cũng vào thời điểm tết Nguyên đán nên các công trình xây dựng nghỉ tết khiến sản lượng tiêu thụ thấp, các nhà phân phối lấy hàng cầm chừng do tâm lý lo sợ giảm giá. Nhà máy phôi tiếp tục hoạt động cầm chừng do sản phẩm không cạnh tranh được về giá với các loại phôi trung tần trên thị trường. Tương tự Đại Thiên Lộc (DTL) cũng do chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán các thành phẩm lại không tăng đã khiến doanh nghiệp thua lỗ.
Mặc dù không lỗ nhưng các doanh nghiệp thép còn lại đều đã báo lãi thấp so với cùng kỳ, trong đó mức sụt giảm mạnh nhất thuộc về Thép Việt Nam (TVN) giảm gần 80% so với cùng kỳ trong đó ngoài nguyên nhân giá vốn tăng cao thì TVN còn hụt mạnh lãi từ hoạt động liên doanh liên kết.
SMC lãi giảm hơn một nửa. Tuy nhiên SMC cho biết do chính sách nhập nguyên liệu, hàng hóa và sản xuất hợp lý và có kế hoạch, nguồn hàng dự trữ trong kho của SMC dồi dào có giá vốn tương đối tốt, đảm bảo ít tác động đến sự biến động giá của thị trường, đáp ứng cho hoạt động thương mại và sản xuất ổn định trong quý 2/2019.
Trong bối cảnh đó, Hoa Sen (HSG) mặc dù báo lãi giảm 53% nhưng việc chuyển từ lỗ 102 tỷ đồng trong quý 4/2018 chuyển sang có lãi quý thứ 2 liên tiếp và trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn thì con số lãi 54 tỷ đồng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của Hoa Sen. Theo Hoa Sen, từ đầu tháng 3/2019, hoạt động kinh doanh đã ổn định cùng với các hoạt động tiết giảm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được triển khai đồng bộ trong thời gian qua nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong các tháng tới sẽ có sự cải thiện đáng kể.
Kế hoạch 2019 thận trọng
Thấy trước những khó khăn trong năm 2019 nên hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đều đã đặt mục tiêu lãi giảm so với 2018.
Đầu tiên phải kể đến mục tiêu lỗ 92,5 tỷ đồng trong năm 2019 của VISCO. Doanh nghiệp này sau khi lỗ đậm tới 326 tỷ đồng trong năm 2018, nhiều nhà đầu tư cho rằng từ khi mời đối tác chiến lược nước ngoài – là doanh nghiệp thép của Nhật Kyoei Steel vào làm đối tác chiến lược rồi dần chuyển giao cổ phần, Kyoei Steel trở thành cổ đông chi phối hồi đầu năm 2018 thì kết quả kinh doanh của Thép Việt Ý đã đi xuống rõ rệt.
Trong niên độ 2018 - 2019, HSG tiếp tục đánh giá thị trường không có nhiều tích cực khi xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh dựa trên cơ sở mức giá nguyên liệu thép cán nóng (HRC) là 470 USD/tấn. Nếu giá HRC tiếp tục giảm, HSG thậm chí sẽ thua lỗ. Kế hoạch niên độ này được Tập đoàn trình cổ đông là 31.500 tỷ đồng doanh thu, giảm 8% so với niên độ trước và mục tiêu 500 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Thép Thái Nguyên (TIS) mặt mục tiêu lãi trước thuế công ty mẹ đạt 90 tỷ đồng tăng 50% so với thực hiện 2018 và còn lên mục tiêu lãi tăng trưởng liên tục trong suốt giai đoạn 2020 - 2024, tuy nhiên mới đây Tisco đang phải thừa nhận tình hình tài chính cực kỳ khó khăn, nguy cơ phá sản đang hiện hữu. Theo số liệu của Ban kiểm soát, khả năng thanh toán hiện hành của công ty năm 2018 bằng 0,7 lần cho thấy công ty đang trong tình trạng tài chính đặc biệt khó khăn, có khả năng không hoàn thành các khoản nợ khi đến hạn.
Tiếp đó VGS mặc dù nhìn nhận những thách thức như giá nguyên nhiên liệu xu hướng tăng, giá bán lại chiều hướng giảm do phải cạnh tranh gay gắt, công ty sẽ phải dốc toàn bộ tài chính để triển khai dự án Việt Đức Legend City nên vốn dùng cho hoạt động SXKD chủ yếu sẽ là đi vay từ các tổ chức tín dụng sẽ khiến chi phí tài chính tăng nhưng với mục tiêu phát triển bền vững VGS đã thông qua mục tiêu lãi tăng trưởng 43% so với cùng kỳ. Công ty cũng cho biết dự án văn phòng và trung tâm thương mại tại Mê Linh sẽ phấn đầu hoàn thành trước quý 4 và công ty dự kiến sẽ lấp đầy vào đầu năm 2020. Dự án khu đô thị Việt Đức Legend City dự kiến sẽ khởi công trong quý 4/2019 và quý 1/2020.
Thép Nam Kim đã có công văn gia hạn tổ chức ĐHĐCĐ 2019 và hiện chưa công bố kế hoạch kinh doanh 2019 nhưng công ty cho biết đang quyết liệt cấu trúc lại hệ thống sản xuất, đầu tư. HĐQT Công ty đã quyết định chủ trương chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất dự án Nam Kim – Korea tại Khu Công nghiệp Visip 2 Bình Dương, giá trị thăng dư từ chuyển nhượng là 23 tỷ đồng. Chuyển nhượng Nhà máy Nam Kim 1 tại Thuận An - Bình Dương, dự kiến hoàn thành chuyển nhượng cuối Quý 2.2019, giá trị thăng dư từ chuyển nhượng là 180 tỷ đồng. Chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất dự án tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân B, Bà Rịa – Vũng Tàu, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2019 với giá trị thăng dư từ chuyển nhượng là 250 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có trường hợp của DNY, doanh nghiệp này đã tổ chức ĐHĐCĐ 2019 mà không đưa ra được các con số kế hoạch kinh doanh trong năm 2019, để chia sẻ khó khăn cùng công ty các thành viên HĐQT đã thống nhất giảm mức thù lao hàng tháng trong đó ông Huỳnh Văn Tân – chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ và bà Phan Thị Thảo Sương – thành viên HĐQT kiêm PTGĐ thống nhất không nhận thù lao HĐQT trong năm 2019.
Hiện VNSTEEL, DTL vẫn chưa tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên 2019 và cũng chưa công bố mục tiêu kinh doanh của năm 2019.
Tác giả bài viết: Thanh Tú
Nguồn tin: InfoNet/HNX&HSX