Tôn Việt đi Hoa Kỳ
Ngày 29/2, tại cảng SSIT (xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành trung ương và địa phương, các vị khách mời… đã cùng chứng kiến lô hàng tôn thành phẩm lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam rời cảng SSIT để vào thị trường Hoa Kỳ.
Thương vụ “khủng” này đã đánh dấu bước đột phá trong hoạt động xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen (chủ nhân lô hàng 20.000 tấn tôn cuộn thành phẩm) nói riêng và cả ngành tôn, thép Việt Nam nói chung.
Để vào được thị trường khó tính như Hoa Kỳ, sản phẩm tôn cuộn thành phẩm phải đạt những tiêu chuẩn quốc tế như: bộ tiêu chuẩn của ASTM (American Society for Testing and Materials) của Hoa Kỳ, bộ tiêu chuẩn BS EN (British Santdards European Norm) của Châu Âu, bộ tiêu chuẩn JIS (Japanese Industrial Standards) của Nhật Bản, bộ tiêu chuẩn SNI (Indonesian National Standards) của Indonesia và bộ tiêu chuẩn MS (Malaysia Standards) của Malaysia. Vì thế, chỉ những doanh nghiệp nghiêm túc với yếu tố chất lượng, mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại thì mới có thể cho ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Hoa Kỳ và tăng sức cạnh tranh trên thương trường.
Nói về thương vụ này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của một doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu tôn, thép, luôn chủ động nâng cao nội lực, tìm kiếm thị trường mới, đón đầu hội nhập, đặc biệt là khi Hiệp định TPP sắp có hiệu lực.
“Với 4 yếu tố quyết định tính cạnh tranh của sản phẩm, bao gồm “chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý, thời gian giao hàng nhanh và dịch vụ hậu mãi tốt”, Tập đoàn Hoa Sen đã và đang đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của khách hàng trong nước cũng như quốc tế”, ông Vũ nói.
Kỷ nguyên mới trong xuất khẩu
Năm 2015 vừa qua tiếp tục là giai đoạn khó khăn với ngành tôn thép khi giá thép nguyên liệu nội địa và thế giới liên tục giảm, đồng thời cuộc khủng hoảng thừa diễn ra tại thị trường thép thế giới đã gây ra sức ép lớn về cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép trong nước. Bên cạnh đó, trong thời kỳ kinh tế cạnh tranh toàn cầu mạnh mẽ như hiện nay, thị trường luôn tràn ngập các thương hiệu nội lẫn ngoại với chất lượng khác nhau.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất tôn, thép cho rằng, khó khăn này chính là động lực khiến họ không ngừng liên tục đổi mới, tạo ra sản phẩm mới cũng như đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế.
Mặt khác, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra cơ hội cho ngành tôn thép Việt. Nước ta đã tham gia hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó đáng chú ý là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Những hiệp định này sẽ đem lại cơ hội hội nhập toàn diện cho doanh nghiệp Việt với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là cơ hội vô cùng lớn để xuất khẩu đến các thị trường lớn và tiềm năng như Mỹ, Úc, Mexico,Chile, New Zealand. Đây là cơ hội để ngành tôn thép Việt Nam “vươn ra biển lớn”.
“Với việc xuất khẩu lô hàng 20.000 tấn tôn thành phẩm tới thị trường Hoa Kỳ, Tập đoàn Hoa Sen đã trở thành một trong những doanh nghiệp Việt Nam đi tiên phong, đón đầu TPP. Sự kiện này là “bước đột phá” trong hoạt động xuất nhập khẩu bởi Hoa Kỳ là một thị trường khó tính, đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về chất lượng, dịch vụ, thời gian giao hàng”, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, hội nhập mạnh mẽ luôn đi liền với cạnh tranh khốc liệt. Khi các hàng rào thuế quan được xóa bỏ, các thương hiệu Việt sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn với nhiều đối thủ hơn, trên bình diện rộng hơn, sâu hơn ngay cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, việc xuất khẩu các sản phẩm thép trong nước ra thị trường nước ngoài liên tục gặp những trở lực lớn từ các rào cản thương mại tại các thị trường xuất khẩu chính nhằm bảo hộ cho nền sản xuất trong nước. Nếu không đáp ứng được hàng rào kỹ thuật đặc biệt là các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng như các vấn đề liên quan khác thì sẽ khó đứng vững tại thị trường này.
“Khi thị trường mở cửa, nếu chuẩn bị hội nhập không tốt, Việt Nam sẽ trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước trong khu vực. Phải luôn chuẩn bị sẵn sàng những kịch bản để thích nghi nhanh nhất với mọi biến động của thị trường. Biết tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng để không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực hiểu biết và thực hiện theo đúng quy định của các hiệp định thương mại; đồng thời chủ động xây dựng cho mình một chiến lược thương hiệu đúng đắn và hiệu quả với chuỗi lợi thế cạnh tranh cốt lõi”, ông Lê Phước Vũ nói.
C.Q
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn