Đại diện ADB cho biết, bản tài liệu về Triển vọng Phát triển Châu Á (bổ sung) được xuất bản hồi đầu tháng 7/2018 chưa cập nhật thông tin dự báo cho từng nước. Tới tháng 9/2018, thông tin về dự báo tăng trưởng, các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn hay các nhận định khác về xu thế phát triển của Việt Nam mới có trong bản cập nhật hoàn chỉnh.
"Đây là tài liệu về Triển vọng Phát triển Châu Á bản bổ sung được xuất bản tầm tháng 7-8 trước khi bản Cập nhật (hoàn chỉnh) được đưa ra chính thức vào tháng 9 hàng năm vì thế bản bổ sung này ADB chỉ đưa ra nhận định cho khu vực và 1-2 dòng cho từng nước. Thông tin cụ thể về tình hình kinh tế của từng nước thì phải đến tháng 9 mới được ra xuất bản" – đại diện ADB khẳng định.
Trước đó, thông tin ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 đạt 7,1% đã được nhiều báo đăng tải trong những ngày đầu tháng 7. Thông tin này được cho là trích dẫn từ Báo cáo Bổ sung Triển vọng Phát triển châu Á.
Thực tế, mức tăng trưởng 7,1% đã được ADB đưa ra hồi tháng 4/2018. Theo đó, ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm 2018 và giảm xuống 6,8% trong năm 2019, nếu không có cú sốc thương mại. Lạm phát năm 2018 ở ngưỡng 3,7% và tăng lên 4,0% trong năm 2019 do sự gia tăng cầu nội địa và giá cả hàng hóa toàn cầu.
Báo cáo của ADB chỉ rõ, chỉ một sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - Hoa Kỳ và Trung Quốc - sẽ có thể dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, kim ngạch thương mại hằng năm của Việt Nam đã vượt mức 185% GPD, khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singgapore.
Phía ADB cho biết, các thông tin liên quan đến kinh tế Việt Nam sẽ sớm được cơ quan này cập nhật và công bố ngay khi cuộc họp báo tháng 9 diễn ra.
Tác giả bài viết: Diệu Quân
Nguồn tin: Theo Trí thức trẻ