Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại
Trong bài viết mới đăng tải ngày hôm nay (13/8), Asian Nikkei Review dẫn nguồn FT Confidential Research - một nhóm nghiên cứu độc lập, chuyên sâu của tờ Financial Times về tình hình tài chính, kinh tế tại Trung Quốc và Đông Nam Á - nhận định Việt Nam, Philippines và Indonesia sẽ là những quốc gia hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng từ cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại.
Năm quốc gia có nền kinh tế lớn nhất ASEAN dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho những hậu quả sắp tới, hơn cả khi sự kiện có tên "taper tantrum" xảy ra hồi năm 2013 - khi các nhà đầu tư quốc tế rút vốn khỏi các thị trường mới nổi sau lời gợi ý kết thúc chính sách nới lỏng định lượng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Nhưng những quốc gia Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với tình trạng sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu trong thời gian dài, đặc biệt sau những đòn tấn công thương mại "có qua có lại" giữa Mỹ và Trung Quốc.
Asian Nikkei Review đánh giá Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp vì là nước phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu. Trong khi đó, với tình trạng hiện tại, Philippines và Indonesia cũng có nguy cơ gặp rủi ro vì khủng hoảng cán cân thanh toán.
Tới nay, Nhà Trắng đã áp 25% thuế trực tiếp lên khối lượng hàng hóa nhập khẩu thường niên trị giá 34 tỉ USD của Trung Quốc, và tiếp tục áp lên khối sản phẩm tương đương 16 tỉ USD vào ngày 23/8 tới. Chính phủ Trung Quốc đã đáp trả ngay lập tức. Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đây, thì các nền kinh tế ASEAN sẽ không cần phải quá lo ngại.
Tuy nhiên, đây dường như là màn dạo đầu trong cuộc chiến. Chính quyền Mỹ hiện đang cân nhắc áp thuế từ 10% tới 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu có giá trị khoảng 200 tỉ USD, và Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế lên toàn bộ 500 tỉ USD hàng nhập từ Trung Quốc. Ông Trump cũng bắt đầu chiến tranh thương mại với EU và các đồng minh khác của Mỹ.
Viễn cảnh về một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện trên toàn cầu không còn là chuyện xa vời. Khi đó, hầu như chẳng quốc gia nào tránh khỏi thiệt hại - bất kể là trực tiếp hay gián tiếp - từ cuộc chiến.
Nền kinh tế đang phát triển vượt bậc của Việt Nam - hiện đang tăng trưởng hơn 7% trong quý 2 - là nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu trong số các nước ASEAN.
Theo Asian Nikkei Review, từ tháng 3/2017 tới tháng 3/2018, Việt Nam xuất khẩu khối lượng hàng hóa tương đương 99,2% GDP cả nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã phụ thuộc vào xuất khẩu trong suốt thập kỉ qua, số hàng hóa xuất ra nước ngoài tăng gần 4 lần từ năm 2008 tới 2017. Giá trị hàng xuất khẩu thường niên đạt 226 tỉ USD, chỉ kém Thái Lan - nước dẫn đầu về xuất khẩu tại ASEAN - 17 tỉ USD.
Việt Nam xuất khẩu tới thị trường Mỹ nhiều nhất trong ASEAN - đạt giá trị ước tính 43,7 tỉ USD. Do đó, khi nhu cầu nhập khẩu của Mỹ sụt giảm, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.
Trong suốt thập kỉ qua, Việt Nam đã tăng trưởng mạnh nhờ các thị trường Mỹ, EU và những quốc gia đã phát triển khác.
Vấn đề của nền kinh tế Indonesia và Philippines
Mối đe dọa về mâu thuẫn thương mại đang gia tăng áp lực lên những thị trường mới nổi, vốn đã chịu sức ép từ việc đồng USD mạnh lên. Mặc dù các nước ASEAN không bị thiệt hại nặng nề như Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina, cổ phiếu tại 5 nền kinh tế lớn ở ASEAN đã gặp nhiều biến chuyển lớn.
Đồng peso của Philippine đã giảm 7,3% giá trị so với đồng USD; đồng rupi của Indonesia giảm 6,1%. Giá trị đồng tiền yếu đi có thể giúp các nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.
Các quốc gia này cũng có thể hưởng lợi trong thời gian dài nếu những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài không tiếp tục rót vốn vào Trung Quốc trong tình cảnh tránh tác động của chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, đối với những nền kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu như Philippines và Indonesia, việc đồng tiền giảm giá trị đồng nghĩa với thâm hụt tài khoản vãng lai nhanh hơn và chịu áp lực lạm phát lớn hơn.
Hiện tại, dự trữ ngoại hối của Philippines tương đương 8,8 tháng nhập khẩu và của Indonesia là 8,1 tháng.
Tình hình kinh tế ở Philippines có phần bấp bênh hơn. Nền kinh tế đang chịu áp lực trước sự suy giảm cân bằng thương mại và làm giảm tốc độ tăng trưởng kiều hối.
Nước này đã thâm hụt tài khoản vãng lai kể từ cuối năm 2016, giảm 10,7% dự trữ ngoại tệ từ mức đỉnh hồi tháng 9/2016.
Tại Indonesia, lạm phát hiện đang trong tầm kiểm soát, nhưng quốc gia này thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất trong top 5 nền kinh tế lớn của ASEAN từ năm 2012, và dự trữ ngoại hối của Indonesia đã giảm 8,1% trong nửa đầu năm nay.
Nhìn chung, Indonesia ít phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng vì xuất đi khối lượng lớn than đá, dầu cọ và các mặt hàng khác, sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu sẽ có tác động lớn đến cán cân thương mại của nước này.
Sẽ không quốc gia nào thoát khỏi sự ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng 5 nền kinh tế lớn của ASEAN sẽ chịu thiệt hại lớn nhất.
Nguồn tin: Cafef.vn: