Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê , kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 8 tháng đạt 155,41 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 45,11 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 110,3 tỷ USD, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đối với kim ngạch nhập khẩu, khoảng cách giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước cũng chênh nhau gần 30 tỷ USD.
Trong một thời gian dài, các con số thống kê cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI nắm vai trò áp đảo khi chiếm một tỷ trọng về xuất nhập khẩu trong nước. Chính điều này đã khiến cho FDI được xem là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng Việt Nam.
Tuy nhiên, câu hỏi như chuyên gia Phạm Chi Lan đưa ra mới đây là: "Chả nhẽ Việt Nam cứ mãi dựa vào FDI?".
Nghĩa là, tăng trưởng dù đang ở mức cao, trung bình trên 6%, nhưng nếu loại trừ đi các nhân tố ngoại, GDP trong nước có thể gặp vấn đề. Điều này theo bà Lan cần xem xét kỹ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, dòng chảy thương mại quốc tế có thể bị ảnh hưởng.
Bởi, như Nikkei vừa nhận định niềm tin của nhà sản xuất tại Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất trong 6 năm vì lo ngại diễn biến thương mại toàn cầu.
Việc phụ thuộc vào khối FDI luôn là câu chuyện thời sự, dù không phải là vấn đề mới. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trước đó cũng đề cập đến khi nhận định khối đầu tư nước ngoài chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ khiến cho Việt Nam dễ bị tổn thương.
"Chúng ta cần phải tìm cách thúc đẩy và dựa vào nội lực", bà Chi Lan nhận định và nhấn mạnh cần phải nhìn thẳng vào những chỉ số thành tích, tránh ngộ nhận về những thứ không phải do tự Việt Nam làm ra.
Phát triển nội lực làm động lực cho tăng trưởng nghĩa là Việt Nam phải xây dựng được những doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, có quy mô lớn, trở thành đối tác với doanh nghiệp FDI. Từ đó, xây dựng được chuỗi cung ứng, cụm liên kết, có sự chuyển giao.
Một nhân tố không thể thiếu cho sự phát triển này là môi trường kinh doanh. Theo đó, Chính phủ cần thực hiện quyết liệt việc cải cách, tái cơ cấu lại nền kinh tế.
Mặt khác, liên quan đến khối FDI, phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng khi xây dựng chính sách ưu đãi cần phải đánh giá cả tác động tiêu cực. VCCI nhận định rằng có sự phiến diện trong đánh giá, theo đó, nhiều đơn vị đã không đề cập đến tác động tiêu cực về chính sách, giảm đầu tư ở nơi khác hoặc tác động tiêu cực về môi trường, cạnh tranh...
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tính đến nay đã hơn 30 năm, mang lại hơi thở mới cho nền kinh tế, đó là điều không thể phủ nhận. Dù vậy, để đất nước phát triển bền vững, Việt Nam vẫn cần phải tự lực mà việc đầu tiên, như chuyên gia Chi Lan đã nói, là phải nhìn thẳng.
Tác giả bài viết: N.Dương
Nguồn tin: Trí thức trẻ