Để giảm ô nhiễm, Bắc Kinh được cho là sẽ tiếp tục hạn chế sản xuất thép, đồng thời nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm vì hoạt động xây dựng nhà mới suy yếu. Kết quả là giá thép xây dựng giao tương lai tăng hơn 15% trong ba tháng qua, ngược lại, hầu hết giá kim loại cơ bản đều giảm hai con số.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ khoảng một nửa sản lượng kim loại toàn cầu. Vì vậy, tâm lý lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại, cùng với những lo sợ về khủng hoảng tài chính tại khối mới nổi và căng thẳng thương mại toàn cầu, đã khiến giá kim loại cơ bản giảm mạnh hơn giá thép.
Cụ thể, giá đồng đã giảm 17% kể từ đầu tháng 6. Giá kẽm và giá nhôm cũng lần lượt giảm 27% và 11%.
Trong khi đó, giá thép lại hưởng lợi từ đồn đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục hạn chế sản xuất trong mùa đông tới. Mùa đông năm 2017, Bắc Kinh thực hiện chiến dịch giảm sản lượng thép nhằm cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố gần nhà máy thép, với kết quả là giảm gần 180 triệu tấn trong tổng sản lượng xấp xỉ 1,1 tỷ tấn của Trung Quốc.
Macquarie dự báo, sản lượng thép của Trung Quốc có thể giảm gần 50% nếu chính phủ tiếp tục hạn chế sản xuất trong mùa đông năm 2018. Nói cách khác, nguồn cung thép cho những tháng cuối năm 2018 dự báo hạn chế nhưng nhu cầu từ thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn lớn, giới phân tích cho hay.
“Những nỗ lực không ngừng nhằm hạn chế nguồn cung của chính phủ Trung Quốc đang giúp giá thép giữ ở mức tốt”, ông Seth Rosenfeld, Giám đốc phòng nghiên cứu chứng khoán, kim loại và khai khoáng tại Công ty Jefferies nói.
Nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc chỉ tăng 2% kể từ đầu năm 2018 tới nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng hai con số của năm 2017, theo số liệu của Jefferies. Macquarie cũng cho biết khoảng 35 – 40% nhu cầu đến từ lĩnh vực xây dựng các tòa nhà.
“Nếu nhìn vào số liệu cuối cùng thì bạn sẽ thấy thị trường bất động sản đang thể hiện rất tốt, hơn cả kỳ vọng”, chuyên gia phân tích và nghiên cứu hàng hóa Serafino Capoferri tại Ngân hàng Macquarie cho biết.
Trong tháng 7, chỉ số giá nhà tại Trung Quốc ghi nhận mức tăng lớn nhất trong 10 tháng, trong khi hệ số tồn kho/doanh số và số lượng nhà mới xây cũng bắt đầu phục hồi trong vài tháng gần đây, theo số liệu của Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng có hai nguyên nhân đằng sau sự tăng trưởng mạnh mẽ này, đó là việc tái phát triển các khu dân cư nghèo, đồng thời thắt chặt nguồn tín dụng cho các ngành nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, như xây dựng nhà ở.
Tác giả bài viết: Phan Vũ
Nguồn tin: Người đồng hành