Hàn Quốc đang giảm thời gian làm việc tối đa mỗi tuần, từ 68 giờ xuống 52 giờ, trong nỗ lực nhằm tăng cường hiệu suất làm việc và tăng tỷ lệ sinh con.
Thời gian làm việc trung bình trong tuần thì thay đổi, tùy theo bạn ở nơi nào trên thế giới. Vậy thì, quốc gia nào làm việc chăm chỉ nhất?
Hồi tháng Ba, Quốc hội Hàn Quốc thông qua một đạo luật cho phép một số lượng đáng kể người lao động được nghỉ ngơi một cách xứng đáng. Đây là quốc gia phát triển có số giờ làm việc dài nhất, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Đạo luật này có hiệu lực kể từ tháng 7/2018, tuy nhiên ban đầu sẽ chỉ áp dụng cho các công ty lớn, rồi dần dần mới mở rộng ra các doanh nghiệp.
Bất chấp phản đối của cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ Hàn Quốc tin rằng đạo luật này là cần thiết để cải thiện điều kiện sống, tạo thêm nhiều việc làm và tăng năng suất công việc.
Chính phủ Hàn Quốc cũng tin rằng đạo luật này cũng giúp tăng tỷ lệ sinh đẻ của quốc gia, vốn đã giảm đáng kể trong vài thập niên vừa qua.
Hàn Quốc hiện đang có thời gian làm việc dài hơn bất cứ quốc gia phát triển nào: trung bình 2.069 giờ mỗi năm cho mỗi nhân viên, theo số liệu năm 2016 của OECD.
Việc phân tích được tiến hành 38 quốc gia cho thấy duy chỉ có người Mexico (2.225 giờ/năm) và Costa Rica (2.212 giờ/năm) là làm việc nhiều giờ hơn người Hàn Quốc.
Hàn Quốc là trường hợp ngoại lệ trong xu thế toàn cầu: các nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế thực hiện cho thấy những quốc gia thu nhập thấp và trung bình có xu hướng làm việc chăm chỉ hơn những quốc gia giàu có, do một loạt những nhân tố từ tỷ lệ những người tự làm cho mình trong lực lượng lao động cho đến lương thấp, sự không ổn định trong công việc và các vấn đề văn hóa.
Tuy nhiên Hàn Quốc không phải là quốc gia giàu có duy nhất đi ngược xu thế.
Nhật Bản cũng có vấn đề với việc 'chết do làm việc quá sức'. Điều này không chỉ được thể hiện qua những con số thống kê mà còn cả trong ngôn ngữ - trong tiếng Nhật có một từ để chỉ tình trạng này: karoshi.
Cụ thể hơn thì từ này có nghĩa là người lao động tử vong do những chứng bệnh liên quan đến căng thẳng (đau tim, đột quỵ) hoặc những người tự sát do áp lực công việc.
Số lượng trung bình 1.713 giờ làm việc mỗi năm của người Nhật vẫn chưa phải là cao nhất trong danh sách của OECD, nhưng vượt qua những con số đó là một thực tế đau buồn: quốc gia này không hề có luật quy định thời gian làm việc tối đa trong tuần và cũng không có giới hạn thời gian làm việc ngoài giờ.
Trong năm tài chính 2015-16, Chính phủ Nhật ghi nhận con số kỷ lục là 1.456 trường hợp karoshi. Các tổ chức đấu tranh cho quyền lợi nhân viên nói rằng con số thực tế còn cao hơn do nhiều trường hợp không báo cáo.
Theo số liệu mới nhất của ILO, châu Á là châu lục nơi con người làm việc nhiều giờ nhất: đa phần các quốc gia (32%) không có giới hạn chung về thời gian làm việc tối đa trong tuần trong khi 29% các quốc gia có ngưỡng rất cao (60 giờ hoặc hơn mỗi tuần).
Chỉ có 4% các nước tuân thủ theo các khuyến cáo của ILO và đặt ra tiêu chuẩn lao động quốc tế là tối đa 48 giờ hoặc ít hơn mỗi tuần.
Ở khu vực châu Mỹ và Caribbe, 34% các nước không có giới hạn thời gian làm việc trong tuần, tỷ lệ cao nhất giữa các khu vực. Một trong những nước làm việc không có giới hạn là Hoa Kỳ.
Nhưng ở Trung Đông, giới hạn làm việc theo pháp luật mang tính mở hơn và cho phép làm việc dài hơn: 8 trong tổng số 10 nước cho phép thời gian làm việc mỗi tuần vượt trên 60 giờ.
Trái lại, ở châu Âu, các nước đều có thời gian làm việc tối đa trong tuần và chỉ có Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ có thời gian làm việc theo pháp luật quy định là vượt mức 48 giờ.
Nhưng chính ở châu Phi mới có nhiều quốc gia làm việc nhiều giờ nhất: cứ một trong ba người trong lực lượng lao động làm việc trên 48 giờ một tuần. Tỷ lệ đó ở Tanzania là 60%.
Các khảo sát cũng xét thời gian làm việc trung bình của các thành phố. Hồi 2016, Ngân hàng Thụy Sỹ công bố phân tích cho thấy Hong Kong có thời gian làm việc trung bình 50,1 giờ một tuần, tiếp đến là Mumbai (43,7), Mexico City (43,5), New Delhi (42,6) và Bangkok (42,1).
Bên cạnh làm việc nhiều giờ, người dân Mexico còn có một trong những số ngày nghỉ ít nhất trên thế giới: tổng số ngày nghỉ có hưởng lương hợp pháp hàng năm của họ là chưa đến 10 ngày, cũng giống như ở Nigeria, Nhật Bản và Trung Quốc, trong khi nước láng giềng trong khu vực là Brazil có số ngày nghỉ tối thiểu có hưởng lương là vào khoảng từ 20 đến 23 ngày một năm.
Tuy nhiên con số này còn có thể tệ hơn nữa. Ở Ấn Độ, nơi không có giới hạn quốc gia về số giờ làm việc tối đa, nhân viên không được đảm bảo số ngày nghỉ phép năm tối thiểu.
Nguồn tin: BBC: