Từ phòng làm việc của Đại sứ Israel Nadav Eshcar có thể nhìn được một góc Hà Nội từ trên cao. Những toà nhà cao tầng nhiều màu sắc và dòng xe cộ ồn ào chảy dưới chân là những thứ Đại sứ Nadav chưa hình dung khi đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên vào 16 năm trước. "Điều khác biệt dễ thấy bằng mắt này là minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng của các bạn", ông nói.
Hai năm trở lại đây, "khởi nghiệp" là cụm từ liên tục được nhắc đến tại Việt Nam. Tinh thần khởi nghiệp được người giàu nhất sàn chứng khoán, ông Phạm Nhật Vượng nhìn nhận là ngọn lửa, ý chí để doanh nghiệp luôn không ngừng đổi mới, phát triển. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, 13/10, Báo Trí Thức Trẻ có cuộc trao đổi với ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel, quốc gia được biết đến với dòng máu khởi nghiệp trong từng cá nhân.
Sau khoảng một năm sau khi đảm nhận vị trí Đại sứ ở Việt Nam, ông có cảm nhận gì về câu chuyện khởi nghiệp ở đất nước chúng tôi?
Khởi nghiệp ở Việt Nam là một trong những điều thú vị và bùng nổ nhất mà tôi nhìn thấy khi đến đất nước này. Ở đây mọi người ai ai cũng nói về khởi nghiệp cả. Họ rất năng động trong vấn đề này và cái họ hướng đến là một sự đột phá.
Tất cả các sở, ngành, doanh nghiệp hay các trường học mà tôi có dịp làm việc đều có chung mục đích hướng đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp một cách tốt nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
Trước khi ngồi đây trả lời phỏng vấn với bạn, tôi đã quay một clip để gửi đến trận chung kết cuộc thi Lập trình giả lập Robotics diễn ra tại Đồng Nai. Đây là cuộc thi hết sức ấn tượng vì có đến 30.000 học sinh từ cấp 2 trở xuống tham gia.
Thật tuyệt khi có một số lượng lớn các em nhỏ Việt Nam quan tâm đến robot và hào hứng với lập trình. Có lẽ vì tôi đại diện cho một quốc gia nổi tiếng vì khởi nghiệp nên được Ban tổ chức nhờ chăng? Và thực ra tôi cũng tự hào khi cuộc thi này cũng có sự góp mặt của doanh nghiệp công nghệ đến từ Israel, bản thân họ cũng xuất phát là công ty khởi nghiệp.
Câu chuyện tôi vừa chia sẻ ở một tỉnh rất xa này là ví dụ trong vô vàn thứ về khởi nghiệp mà tôi bắt gặp ở Việt Nam.
Trên thế giới có rất nhiều startup có sự bứt phá thần kỳ, từ zero trở thành hero, doanh nghiệp Việt liệu có cơ hội đó?
Cá nhân tôi chắc chắn các bạn sẽ có những đột phá như vậy. Tôi nhìn thấy Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Israel.
Điểm đầu tiên là con người rất sáng tạo. Nghĩa là khi gặp khó khăn, ngay lập tức, các bạn sẽ tìm cách giải quyết.
Ví dụ trong gia đình, khi có đồ đạc bị hỏng hóc, suy nghĩ đầu tiên sẽ luôn là “sửa chúng bằng cách nào”. Những món đồ này theo đó sẽ được sửa chữa bằng mọi cách.
Hai điểm để tạo ra bứt phá là sáng tạo và trí thông minh mà người Việt Nam chưa bao giờ bị nghi ngờ về điều này.
Tiếp theo, các bạn đang có sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ và như cộng đồng doanh nghiệp nói chung nhằm tạo ra sự đột phá.
Tôi cũng nhận thấy nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang hướng đến thị trường trong nước. Cá nhân tôi nghĩ đó là điều tuyệt vời. Chỉ cần các bạn làm ra được sản phẩm, cống hiến cho người dân đã là điều tốt rồi. Chúng ta không cần phải thống trị cả thế giới.
Tôi chắc chắn tài năng, tiềm năng của Việt Nam là có. Tôi tin rằng thành công chỉ là vấn đề thời gian.
Ông có dự đoán một mốc thời gian nào không? Chúng tôi thường cảm thấy mình đang đi sau các nước. Hoặc như nhìn vào Israel, tôi còn thấy như đất nước mình đang lãng phí tài nguyên.
Những vấn đề này mất rất nhiều thời gian. Ở đâu cũng vậy, ngay cả tại đất nước chúng tôi, thành công không phải chỉ một ngày là có được. Nó cũng thuộc về phạm trù suy nghĩ của một dân tộc từ nhiều nghìn năm trước.
Israel được tập hợp từ nhiều người dân di cư từ mọi nơi trên thế giới về một vùng sa mạc khô cằn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Điều này buộc chúng tôi phải tìm mọi cách để tồn tại với một loạt câu hỏi. Làm sao để sử dụng nguồn nước eo hẹp nhưng tạo ra lượng thức ăn đủ để nuôi dưỡng con người? Làm thế nào để xây dựng được hệ thống y tế, khoa học công nghệ trong sa mạc cằn cỗi?...
Chúng tôi nghĩ đến giáo dục. Hệ thống này bắt đầu từ bậc học nhỏ nhất đến cao nhất mà ở đó lớp trẻ được khuyến khích phát triển khoa học. Giờ thì Israel có những hiệp hội chuyên phụ trách các lĩnh vực đột phá. Nhiệm vụ của họ là tìm ra phương thức khuyến khích cho các doanh nghiệp sáng tạo thành công.
Tất cả những việc làm này cộng dồn lại dẫn đến sự thành công của chúng tôi. Chúng đã tiêu tốn rất nhiều thời gian.
Thành quả của hệ sinh thái Israel có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ. Đâu là chính sách tốt nhất, theo quan điểm của ông?
Tôi nghĩ là không nên nói cái nào là tốt nhất mà các chính sách đang hỗ trợ nhau. Ví dụ như đối với lĩnh vực giáo dục, chúng tôi đã áp dụng STEM (viết tắt của các từ science – khoa học, technology – công nghệ, engineering – kỹ thuật, math – toán học) vào hệ thống giáo dục từ bậc thấp nhất. Điều này khuyến khích học sinh có hứng thú vào các lĩnh vực này.
Chính phủ nhìn chung đầu tư tiền không lớn nhưng chủ yếu tạo động lực cho học sinh. Đơn cử như một lớp học khoa học có 40 học sinh sẽ được chia nhỏ thành các nhóm. Giáo viên dạy các nhóm nhỏ sẽ giúp cho các em đạt được hiệu quả cao hơn khi học.
Trong quá trình đi nghĩa vụ quân sự, đối với những người có khả năng về khoa học, họ sẽ được sắp xếp làm các công việc liên quan. Và khi kết thúc nghĩa vụ, cơ bản họ là những nhà khoa học vì họ đã học và làm rất nhiều.
Bên cạnh đó, chúng tôi đầu tư lớn vào các trường đại học. Hầu hết các trường đại học ở Israel đều có cộng tác với các trường hàng đầu trên thế giới để nâng cao chất lượng.
Văn hoá được xem là chìa khoá giúp người Israel thành công. Vậy đất nước các ông đã nuôi dưỡng tinh thần kỷ luật hay chấp nhận thất bại như thế nào?
Tôi muốn nói vấn đề kỷ luật không phải điểm mạnh của Israel đâu.
Điều này có mâu thuẫn với cựu Đại sứ Meirav Eilon Sharhar khi bà cho biết tinh thần kỷ luật đã giúp Israel thành công?
Tôi nghĩ là cựu Đại sứ và tôi chia sẻ về kỷ luật với 2 định nghĩa khác nhau. Theo cách hiểu của tôi, người dân Israel đặt câu hỏi về mọi thứ. Kể cả trong giáo dục, chúng tôi khuyến khích học sinh đặt ngược câu hỏi cho giáo viên và không bao giờ được chấp nhận tất cả những gì giáo viên nói là đúng.
Điều này như vậy đi ngược lại một chút với kỷ luật. Tuy nhiên, nhờ vậy mà chúng tôi có cách suy nghĩ, tiếp cận khác cho vấn đề.
Cá nhân tôi khi làm việc tại đại sứ quán cũng thế. Tôi luôn khuyến khích nhân viên tranh luận các vấn đề chứ không đồng ý với mọi thứ tôi nói. Có thể quyết định cuối cùng vẫn ở tôi nhưng nó sẽ được xây dựng dựa trên tranh luận với những người khác.
Ở công ty cũng thế thôi, ngay cả công ty khởi nghiệp. Vai trò của sếp lớn hay nhân viên cấp thấp nhất đều quan trọng như nhau. Người lãnh đạo luôn mong nhân viên có ý tưởng đột phá, đưa ra điều trái ngược.
Nó cũng có chút gì đấy liên quan đến chấp nhận sự thất bại. Nếu tôi sợ thất bại, sợ vấp ngã thì có lẽ tôi không nên nói gì thì hơn. Những ý tưởng tuyệt vời nếu không nói ra, sẽ không có ai biết.
Do vậy, nhìn chung người Israel không sợ thất bại. Có một câu nói mà mọi người dân nước tôi đều biết là “Muốn thành công thì phải chấp nhận vấp ngã ít nhất 2 – 3 lần”. Thực tế, nếu bạn gặp thất bại, bạn sẽ có nhiều bài học hơn thành công.
Vậy ông có thể chia sẻ về một thất bại đáng nhớ?
Tôi nghĩ là những thất bại tôi gặp phải và học từ đó tốt nhất nên được giữ cho riêng mình. Tuy nhiên, tôi khẳng định là không một ai không vấp ngã. Tôi cũng có những sai lầm, nhưng bản thân tôi luôn cố gắng tránh lặp lại chúng.
16 năm trước ông cùng vợ đã đi phượt đến Việt Nam và đó cũng là khởi đầu cho ước mơ được trở lại đây với tư cách cán bộ ngoại giao. Tại sao vậy?
Thực ra rất dễ để trả lời câu hỏi này. Lúc đó chúng tôi mới cưới, rất trẻ, còn đất nước các bạn lại đẹp đẽ, con người tuyệt vời. Người Việt Nam luôn tiến về phía trước, cuộc sống cũng luôn như vậy. Điều này đối với một người làm ngoại giao thì rất tuyệt. Công việc của tôi luôn luôn hướng về phía trước. Hiện nay tôi đã ở Việt Nam 1 năm 2 tháng cùng với gia đình. Tôi có công việc thú vị với các dự án lớn. Tôi nghĩ mình đã không sai lầm khi chọn lựa.
Sự khác biệt nào mà ông nhận thấy giữa lần đầu tiên khi đặt chân đến Việt Nam và 16 năm sau?
Tôi nghĩ là có thể nhìn thấy sự phát triển ở nhiều góc cạnh khác nhau. Dễ dàng nhận thấy nhất là hệ thống giao thông. Khi chúng tôi ở đây 16 năm trước thì không có nhiều ô tô, xe máy đến vậy. Những toà nhà cao tầng cũng thế. Giờ thì hệ thống hạ tầng của Việt Nam rất hiện đại cùng với dịch vụ phát triển nhiều.
Tuy nhiên, bên cạnh sự sôi động, nhộn nhịp này, tôi nhận ra Việt Nam vẫn bảo tồn được những nét bình dị của cuộc sống. Đó là những nét cuốn hút.
Cảm ơn ông về cuộc nói chuyện!
Tác giả bài viết: Phương Ánh
Nguồn tin: Trí thức trẻ