Nhìn lại 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chia sẻ với VnExpress, Tiến sĩ Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng, còn mặt này mặt kia nhưng những thành công của FDI là chủ yếu, tồn tại là thứ yếu. Từ những đồng vốn nhỏ bé ban đầu, đến nay FDI đã tạo nên bức tranh sâu rộng với nhiều điểm nhấn, trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.
80% được và 20% mất từ FDI
- Dòng vốn ngoại vào Việt Nam 30 năm qua đã khiến bộ mặt kinh tế, xã hội Việt Nam thay đổi rất nhiều, thế nhưng có nỗi buồn nào trong thu hút FDI khiến ông cảm thấy chưa hài lòng?
- Phần “được” là chủ yếu, “mất” từ FDI là thứ yếu, song là những bài học, nỗi buồn chúng ta không thể bỏ qua. Đó là bài học từ quản lý yếu kém để sự cố đáng tiếc về môi trường, điển hình như Vedan, Formosa gây nên, vụ sau lớn hơn vụ trước với cách vi phạm tương tự. Rồi hiện tượng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI đã được biết đến, nói đến từ lâu nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Bài học thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, công nghiệp phụ trợ không phát triển; giá trị đem lại từ khối ngoại thấp,... là nỗi buồn trong thu hút FDI.
Những bài học, nỗi buồn này chỉ là tồn tại thứ yếu trong quá trình phát triển trên nền tảng của một nền kinh tế quá yếu sau chiến tranh, nguồn nhân lực chưa kịp đào tạo đầy đủ để tiếp cận quản lý các vấn đề mới, nhất là khi chuyển sang quản lý theo cơ chế thị trường. Thế nhưng, nếu cứ như vậy mãi, không có các giải pháp khắc phục sớm thì mặt trái của “đồng tiền FDI” sẽ lấn lướt mặt tích cực, và rồi không rõ chúng ta sẽ đi đến đâu với FDI.
Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư). Ảnh: H.T |
- Theo ông, điểm yếu của FDI vừa qua nguyên nhân do đâu?
- Định hướng thu hút FDI được xác định từ đầu là nhằm vào các đối tác có tiềm năng về vốn, công nghệ, thị trường. Mục tiêu chung là vậy, còn chi tiết hoá, cụ thể hoá những mục tiêu này thì ta còn thiếu.
Thu hút FDI cũng mang tính “hai mặt” của đồng tiền. Đồng tiền nào cũng có hai mặt tốt và xấu. Hai mặt đồng tiền không thể tách rời, biết sử dụng đồng tiền thì mặt tốt của nó sẽ lấn át mặt còn lại và mặt xấu không có điều kiện phát triển sẽ dần bị triệt tiêu. Nhưng quan trọng nhất để “biết sử dụng đồng tiền” thì phải làm thế nào và cần có những điều kiện gì.
- Một thống kê gần đây cho biết 80% công nghệ các dự án của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lại là công nghệ thấp, lạc hậu. Ông nghĩ gì về con số này ?
- Thực ra Việt Nam vẫn là nước đang phát triển nên cần rất nhiều nguồn vốn, một lúc phải giải quyết nhiều yêu cầu nền kinh tế: lao động việc làm, công nghệ cao, an sinh xã hội, cũng như những vấn đề khác về an ninh quốc phòng, môi trường...
30 năm qua, trong thập niên đầu tiên chúng ta coi trọng lượng vốn thu hút vào và sử dụng lượng vốn đó cho những ưu tiên đầu tiên. 15 năm trở lại đây đặc biệt chú trọng tới công nghệ cao bằng những chính sách, hành động cụ thể của Chính phủ, song tiếc rằng thu hút công nghệ cao chưa đạt như mong muốn. Cụ thể, chất lượng lao động, giá trị lao động thấp. Chính vì không có công nghệ cao nên chưa thể chen chân vào chuỗi sản xuất giá trị cao toàn cầu.
- Nhưng một nền công nghiệp gồm cả xuất khẩu nếu chỉ phụ thuộc FDI 10 năm thì thành công; 20 năm chấp nhận được, nhưng tới 30 năm thì thất bại. Ông nghĩ sao?
- 30 năm là dài, có nhiều đất nước chỉ sau 2 thập niên đã thay đổi toàn bộ bộ mặt đất nước, nhất là trong thời đại công nghệ mới. Chúng ta đã mất thời gian khá lâu rồi.
Quỹ thời gian còn lại để thay đổi một cách căn bản chính sách phát triển doanh nghiệp, công nghiệp, thu hút FDI... không còn nhiều. Nếu chúng ta không có cách nghĩ mới, cách làm mới trong thời gian tới thì sẽ thất bại, tụt hậu. Anh phải nhìn lại anh hôm qua, nhìn thẳng vào những tồn tại và tìm ra nguyên nhân khắc phục thì mới thấy được giải pháp toàn diện.
- Vậy thách thức nào đặt ra cho Việt Nam trong thu hút vốn ngoại, để thực sự nguồn ngoại lực này “vá” được những lỗ hổng trước đây?
- Biến động nhanh của nền kinh tế toàn cầu trước tác động của tiến bộ khoa học công nghệ sẽ là thách thức lớn đối với thu hút FDI của Việt Nam. Rõ ràng, để bước vào giai đoạn mới cần có tổng kết toàn diện, sâu sắc, sát thực tiễn để tìm ra các rào cản về tổ chức quản lý, về chính sách, về đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực, đào tạo... và xác định rõ các giải pháp khắc phục. Nếu không có chuyển biến thực sự thì những tồn tại, bất cập của FDI vẫn theo diễn biến mô típ cũ.
Chẳng hạn, vẫn nói hướng tới lựa chọn dự án công nghệ sạch, công nghệ cao, vậy thì sẽ phải làm như thế nào? Thống nhất quy hoạch phát triển, trong đó FDI ở vị trí nào, doanh nghiệp trong nước ở vị trí nào? Chúng ta nói không thu hút bằng mọi giá nhưng cụ thể ra sao cũng cần có chỉ dẫn rõ về dự án, về đối tác...
Lái cỗ xe FDI khéo léo sẽ tránh được rào cản
- Cách nghĩ mới, làm mới trong thu hút FDI như ông đề cập cụ thể sẽ như thế nào?
- Mỗi giai đoạn phát triển khác nhau chúng ta đã có những điều chỉnh chính sách thu hút vốn FDI phù hợp với thực tế, tiến trình hội nhập khu vực và thế giới. Giờ vị thế Việt Nam đã khác nên sắp tới phải khác.
Tư duy thu hút FDI “càng đông càng vui” cần loại bỏ trong chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Cần học cách lắc đầu trước những dự án nguy cơ gây ô nhiễm, hàm lượng vốn, công nghệ thấp... Giờ Việt Nam cần bước vào giai đoạn sàng lọc, lựa chọn tinh hơn thô.
Còn nhiều việc tiếp tục phải làm. Phải làm sao đưa ra chiến lược phù hợp với điều kiện Việt Nam vì có nhiều vấn đề khác phải tính tới như an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế tự cường, cũng như sửa đổi, chấn chỉnh bộ máy...
Thực tế các năm qua cho thấy, còn một số tồn tại trong thu hút và quản lý FDI nhưng đó chỉ là thứ yếu trong quá trình phát triển, không cần quá lo ngại. Nếu quản lý tốt hơn trong giai đoạn tới, biết lái cỗ xe FDI khéo léo sẽ tránh được các rào cản, khắc phục được các tồn tại và ngược lại.
- Là người từng nhiều năm gắn bó với FDI Việt Nam, ông có lưu ý gì về chiến lược thu hút FDI giai đoạn tới?
- Cái cần làm ở FDI thế hệ thứ 2 là cách tổ chức thực hiện như thế nào để không bị tính kinh tế thị trường thao túng. Làm sao để giai đoạn tới các lĩnh vực ngành nghề thu hút vốn ngoại tập trung, có hiệu quả hơn chứ không phải nêu ra danh sách, còn hiệu quả thực tế lại không đạt như mong muốn.
Mọi người ai cũng nói tới cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, robot... như là chi tiết “trang trí” trong các bài nói chuyện. Ảnh hưởng của công nghệ cao giai đoạn vừa rồi quá lớn, nên đến giờ không thể áp dụng cách làm không rõ mục tiêu. Ví dụ trong lĩnh vực 4.0 vì sao chưa đạt như ý muốn, công nghệ 4.0 là gì trong từng lĩnh vực ngành nghề, muốn thu hút phải ra sao, quản trị với tổ chức bộ máy điều hành... thế nào? Kế hoạch càng chi tiết phải phù hợp với điều kiện thực tiễn, lúc đó mới mong muốn tiếp cận vào công nghệ cao và thu hút vốn.
Phải hướng tới lựa chọn dự án công nghệ sạch, công nghệ cao; thống nhất quy hoạch phát triển, trong đó lĩnh vực nào, vùng nào sẽ dành ưu tiên thu hút vốn FDI... Các dự án cấp phép phải phụ thuộc những mục tiêu mà Việt Nam hướng đến, còn những cái mà doanh nghiệp Việt có khả năng làm được thì phải để người Việt làm. Lĩnh vực nào không làm được thì mới thu hút vốn nước ngoài.
Nói “không thu hút vốn FDI bằng mọi giá”, nhưng phải có chỉ dẫn cụ thể sàng lọc cho các địa phương, mới giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi từ nguồn vốn ngoại. Ngoài ra, tổ chức bộ máy và con người cũng là vấn đề then chốt cho thu hút vốn ngoại tới. Đối tác nào cũng phải sàng lọc. Nhà đầu tư đăng ký dự án quy mô vốn rất lớn, song nếu rà soát nhận thấy chỉ một phần nhỏ dự án sẽ đem lại lợi ích cho Việt Nam, còn phần lớn giá trị còn lại không phù hợp thì cũng mạnh dạn từ chối. Giai đoạn tới cần rõ ràng tất cả những thứ đó để không lặp lại sai lầm, bài học như Formosa.
Cuối cùng là quyết tâm đổi mới, có dám nói tất cả sự thật ra hay không, hay chúng ta tổng kết mà không đi thực sự vào bản chất vấn đề.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài
Nguồn tin: vnexpress.net