Câu chuyện về Hoa Sen Group (HSG) của chủ tịch Lê Phước Vũ thời gian gần đây xoay quanh những khó khăn mà đơn vị này đang mắc phải, thị trường nhạy cảm cao với các biến động và chính sách bảo hộ thương mại toàn cầu, đối thủ ngày càng mạnh, giá nguyên vật liệu lên cao đi cùng tỷ trọng nợ khá lớn của bản thân doanh nghiệp.
Trong đó, chi phí nguyên vật liệu là một trong những vấn đề được quan tâm không chỉ riêng tại Hoa Sen mà nhiều đơn vị khác trong ngành. Khi mà, mặc dù giá bán trung bình tăng 16-19%, nhưng mức tăng giá bán chưa thể bù đắp cho mức tăng 32% của nguyên liệu đầu vào - chính là thép cán nóng HRC.
Nhập khẩu HRC – một trong những nguyên nhân kéo biên lợi nhuận giảm mạnh
Riêng với Hoa Sen, là một doanh nghiệp hạ nguồn của chuỗi giá trị ngành thép, HRC đang là nguyên liệu đầu vào chính cho dây chuyền sản xuất tôn và ống thép, ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận của Tập đoàn.
Ghi nhận 9 tháng đầu năm 2018, giá HRC nhập khẩu tăng mạnh 16%, kéo theo nhuận ròng Hoa Sen giảm mạnh 55%, xuống còn 512 tỷ đồng. Biên lãi Tập đoàn cũng điều chỉnh mạnh, cụ thể tỷ suất lợi nhuận gộp của Hoa Sen giảm về mức thấp nhất trong lịch sử là 10% trong quý 2/2018. Hơn nữa, tình trạng nợ vay ở mức cao do hàng tồn kho tăng, dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng đáng kể từ 2,3x vào cuối năm tài chính trước lên 3x vào cuối tháng 6/2018, càng khiến Hoa Sen dễ bị tổn thương hơn trước áp lực giá nguyên vật liệu so với đối thủ.
Chuỗi giá trị ngành thép
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo con số này sẽ tiếp tục có xu hướng giảm tốc nhanh hơn dự kiến. Theo đó, VCSC điều chỉnh giảm giả định biên lợi nhuận gộp 2018 của Hoa Sen còn 12%, tương ứng mức lợi nhuận ròng chỉ còn 697 tỷ đồng - giảm 48% so với năm ngoái (mặc dù con số trên đã bao gồm 100 tỷ đồng thu nhập bất thường từ việc thoái vốn khỏi cảng Hoa Sen - Gemadept sẽ ghi nhận trong quý 4/2018).
Quay về nguyên liệu nội địa là xu thế tất yếu
Và trong cơn chật vật, mới đây Hoa Sen đã chính thức ký kết thỏa thuận mua bán thép cuộn cán nóng (HRC) từ khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh. Động thái này hứa hẹn sẽ mang lại những dấu hiệu tích cực mới trong năm tài chính 2019, giới phân tích cho biết, bởi thương vụ trên sẽ tạm thời giảm áp lực nhập khẩu một phần và giữ thị trường nội địa ổn định hơn.
Trên thực tế, hầu hết các công ty sản xuất tôn mạ, ống thép trong nước đang nhập nguyên liệu HRC từ nước ngoài, dẫn đến dễ bị tổn thương trước biến động thị trường thế giới, tỷ giá, cũng như phải chịu thuế phí, bị động về thời gian giao hàng… Đặc biệt trong bối cảnh chính sách bảo hộ lên cao khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, việc hướng đến tiêu thụ HRC nội địa thay vì nhập khẩu được giới quan sát đánh giá là xu thế tất yếu.
Trở lại với liên minh Hoa Sen - Formosa xem, cái bắt tay còn được xem là lời giải cho bài toán cả hai bên. Trước hết Hoa Sen, HRC mua từ Formosa sẽ có giá tốt hơn nhập khẩu. Hơn nữa, việc tận dụng nguồn nguyên liệu nội địa còn giúp Tập đoàn hạn chế tác động tiêu cực của biến động tỷ giá, bên cạnh ưu điểm về thời gian giao hàng, thuế phí…
Về phía Formosa, đơn vị này cũng sẽ giải quyết được đầu ra cho dự án trị giá gần 13 tỷ USD thông qua giao thương với Hoa Sen – một đơn vị đang nắm giữ đến 34% thị phần tôn và 18% thị phần thép Việt Nam.
Được biết, Formosa Hà Tĩnh hiện là nhà sản xuất HRC duy nhất tại Việt Nam với sản lượng 6 triệu tấn/năm, đáp ứng 100% nhu cầu của thị trường trong nước (năm 2017 Việt Nam nhập khẩu 5,5 triệu tấn HRC). Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), FHS đã bán ra thị trường 150.000 tấn HRC trong năm 2017 và 107.000 tấn trong quý 1 vừa qua. Khi lò cao thứ 2 dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay, FHS sẽ cung cấp 3 triệu tấn HRC trong năm 2018 và 6 triệu tấn trong các năm tiếp theo.
Dự án Formosa.
Cùng với đó, một đơn vị trong nước khác cũng sản xuất HRC - dự án sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2 kế hoạch sẽ sản xuất 2 triệu tấn HRC, dự kiến toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành đi vào sản xuất cuối năm 2019.
Tựu trung lại, việc hợp tác với Formosa để mua HRC thời gian tới dự sẽ giúp Hoa Sen giải quyết được một trong những cái khó hiện nay. Xét trên khía cạnh khác, việc mua HRC nội địa còn giải quyết được hiện tượng tồn kho của doanh nghiệp, khi thời trước năm 2018 nhiều đơn vị đã cố gắng tồn trữ nguyên vật liệu giá thấp trước biến động khó lường trên thế giới.
Trên thị trường, cổ phiếu HSG đang hồi phục nhẹ sau đợt giảm sâu, hiện đang giao dịch tại mức 11.750 đồng/cp. Việc cổ phiếu liên tục dò đáy khiến HSG trở thành tâm điển của giới đầu tư, mặc dù còn nhiều bất cập song nhiều người vẫn cân nhắc trước việc bắt đáy. Về thanh khoản, nhiều phiên gần đây khối lượng giao dịch cổ phiếu HSG tương đối lớn, trung bình đạt từ 5-6 triệu đơn vị/phiên, đỉnh điểm ngày 8/10 đạt đến 12 triệu cổ phiếu được "sang tay".
Giao dịch cổ phiếu HSG.
Tác giả bài viết: Tri Túc
Nguồn tin: Trí thức trẻ